Quy định chức năng, quyền hạn của chính quyền, HĐND cấp cơ sở: Phải căn cứ đặc thù từng địa phương

ANTĐ - Góp ý vào dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương tại phiên thảo luận tổ chiều 7-11, ĐB Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, cần căn cứ vào tính chất đặc thù của từng địa phương để quy định quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của các UBND, HĐND cơ sở chứ không đưa vào dự luật quy định chung cho tất cả các tỉnh/ thành.

Quy định chức năng, quyền hạn của chính quyền, HĐND cấp cơ sở: Phải căn cứ đặc thù từng địa phương ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu 
tại phiên thảo luận tổ chiều 7-11

ĐB Nguyễn Đức Chung cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các ý kiến của ĐBQH về việc cần thiết phải tổ chức bộ máy chính quyền và HĐND ở 3 cấp: tỉnh, quận/ huyện, xã/ phường. Tuy nhiên, liên quan đến số lượng ĐB HĐND các cấp, Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị cần có tiêu chí rõ từ cấp xã, quận/huyện đến tỉnh/ thành phố. “Theo tôi, nên căn cứ vào số dân ở từng địa phương để quy định số lượng ĐB HĐND ở địa phương đó cho phù hợp. Thực tế, có những xã vùng biên giới diện tích rất rộng nhưng dân số lại rất ít, nếu căn cứ vào diện tích mà quy định số lượng ĐB HĐND cơ sở là không phù hợp” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung phân tích.

Đi sâu vào việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp, ĐB Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, dự luật không nên quy định chức năng giám sát chung cho tất cả HĐND các địa phương. Mỗi tỉnh/thành phố có đặc thù riêng, chức năng nhiệm vụ khác nhau, tình hình kinh tế xã hội khác nhau, dân tộc khác nhau… nên chức năng giám sát, nhiệm vụ của HĐND cơ sở cũng phải khác nhau. Tốt nhất là việc quy định chức năng giám sát, nhiệm vụ của HĐND cơ sở từng xã/ phường, quận/ huyện nên giao cho HĐND cấp tỉnh/thành phố quyết định, từ đó mới xây dựng mô hình tổ chức chính quyền phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.

Tương tự, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp, ĐB Nguyễn Đức Chung đề nghị, nên căn cứ cơ sở thực tiễn của mỗi tỉnh/ thành phố để quy định chức năng, nhiệm vụ chứ không nên quy định chung cho tất cả 63 tỉnh/ thành phố. 

ĐB Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh tới việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương ở các đặc khu kinh tế. Đây là vấn đề được các ĐBQH và dư luận rất quan tâm bởi mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chưa có tiền lệ ở nước ta. 

ĐB Nguyễn Đức Chung góp ý: “Chúng ta có thể tham khảo mô hình này ở Trung Quốc, ngay trong thành phố Thượng Hải, họ có đưa ra mô hình khu mậu dịch tự do, khu hành chính đặc biệt. Trong khu vực này, họ có các chính sách đặc thù liên quan đến thuế và nhiều hoạt động khác, dù khu hành chính đặc biệt này vẫn nằm ngay trong cơ quan hành chính của một thành phố cụ thể”. Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để trình Quốc hội xem xét, quy định cụ thể trong dự luật, căn cứ vào đặc thù từng khu vực, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương cũng như trong mối tương quan với quá trình hội nhập của đất nước, vì quyền lợi phát triển kinh tế chung của đất nước.