Quy định bổ sung muối I ốt vào thực phẩm, chưa thấy doanh nghiệp nào lên tiếng

ANTD.VN - Sau một năm trì hoãn, Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 15-3, trong đó có quy định bắt buộc phải tăng cường I ốt vào muối ăn trực tiếp, muối dùng trong chế biến thực phẩm. 

Bộ Y tế sẽ không kiểm nghiệm hàm lượng I ốt trong thực phẩm đã chế biến

Ngay khi Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp “kêu” rằng, quy định bắt buộc doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nếu sử dụng muối thì phải sử dụng muối đã bổ sung I ốt khiến hoạt động sản xuất của họ bị đảo lộn, thậm chí ảnh hưởng tới màu, mùi vị sản phẩm và làm tăng chi phí…

Nhiều doanh nghiệp phản ứng

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và chế biến thủy sản (VASEP) cho biết, tháng 4 vừa qua, sau khi Nghị định 09 có hiệu lực, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã tỏ ý không đồng tình hướng dẫn của Bộ Y tế bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường I ốt. Ngày 7-4, VASEP đã có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị bãi bỏ nội dung hướng dẫn tại Điểm 2 của văn bản 1216/BYT-PC ngày 14-3-2017 của Bộ Y tế quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải sử dụng muối tăng cường I ốt. 

Theo VASEP, với một số sản phẩm thực phẩm cụ thể, nếu bổ sung I ốt vào thành phần sẽ gây biến đổi màu, biến mùi, mất khả năng chống oxy hóa, không đảm bảo được chất lượng như công bố. Hơn nữa, Nghị định quy định này sẽ tạo thêm rào cản không cần thiết ở góc độ thương mại, do các sản phẩm trên toàn cầu khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phải thay đổi nguyên liệu nếu trong thành phần thực phẩm đó có chứa muối. Ông Trương Đình Hòe cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề này để truyền tải, gửi phản ánh tới cơ quan chức năng. 

Mới đây, trả lời trên báo chí, đại diện một số công ty thực phẩm lớn ở Việt Nam như Acecook Việt Nam, Vissan… cũng cho rằng, quy định bắt buộc sử dụng muối I ốt trong chế biến thực phẩm tiêu dùng trong nước sẽ gây nhiều xáo trộn trong hoạt động sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, chưa kể đến việc doanh nghiệp phải bổ sung đăng ký lại nhãn hàng hóa cho phù hợp… 

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, mục đích của việc đưa ra quy định bắt buộc bổ sung I ốt vào trong muối ăn, muối dùng trong chế biến thực phẩm là nhằm tăng cường I ốt, giảm thiểu các bệnh về thiếu I ốt đang có xu hướng gia tăng trở lại. “Theo tôi, chỉ nên bắt buộc tăng cường I ốt vào trong muối ăn trực tiếp. Còn muối dùng trong chế biến thực phẩm mà bắt buộc trộn I ốt vào thì không nên, bởi sẽ phân hủy hết I ốt nên không có tác dụng gì mà còn gây lãng phí” - PGS.TS Trần Đáng phân tích.

Chưa nhận được phàn nàn

Về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định, khi soạn thảo Nghị định 09/NĐ-CP, các cơ quan hữu quan đã lấy ý kiến rộng rãi, bao gồm các doanh nghiệp được cho là sẽ bị tác động khi áp dụng quy định này. Qua lấy ý kiến, các doanh nghiệp đều tán thành.

Để thận trọng và không gây biến động lớn cho doanh nghiệp, thay vì áp dụng từ ngày 15-3-2016, quy định về việc bắt buộc tăng cường I ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm đã được lùi lại một năm, đến 15-3-2017 vừa qua mới áp dụng, nhằm có thời gian cho các doanh nghiệp chuẩn bị.

“Suốt thời gian qua, các doanh nghiệp không có ý kiến gì, giờ quy định có hiệu lực thì các doanh nghiệp lại lên tiếng phản đối. Quy định đã có hiệu lực thì phải thi hành, chưa thi hành đã phản đối là bất thường. Phải thực hiện rồi nếu có vướng mắc thì mới phản ánh lại” - ông Quang nói.

Tương tự, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong (Bộ Y tế) - đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện quy định này - cho biết, hiện tỷ lệ thiếu hàm lượng I ốt trong cơ thể người Việt Nam rất cao, số trẻ em 8-10 tuổi bị bướu cổ tăng nhanh, trở thành vấn đề sức khỏe cần phải can thiệp. Khi Nghị định 09/NĐ-CP có hiệu lực, Chính phủ đã chủ trì một buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp về quy định này.

Theo đó, các bên đã thống nhất quy định: các cơ sở sản xuất muối bắt buộc phải bổ sung I ốt vào muối để kinh doanh; các cơ sở chế biến thực phẩm nếu có sử dụng muối bắt buộc phải mua muối ở những cơ sở sản xuất muối có bổ sung I ốt; không kiểm nghiệm hàm lượng I ốt trong sản phẩm thực phẩm đã chế biến.

“Như vậy, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn nếu có trường hợp doanh nghiệp cụ thể nào mà bị ảnh hưởng do thực hiện quy định này hoặc trong quá trình sử dụng muối I ốt trong chế biến thực phẩm mà có sản phẩm thực phẩm nào bị biến màu, mất mùi vị thì cần thông báo về Bộ Y tế, chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, có hướng điều chỉnh, khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ một ý kiến nào từ các doanh nghiệp về các hiện tượng đó” - ông Nguyễn Thanh Phong nói.