Quốc lộ 181 Keo - Sủi: Đường thành sông, nhà thầu thi công vẫn lừng khừng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Người dân sinh sống trên địa bàn phố Keo sốt ruột đợi chờ 13 năm nay để tuyến đường hoàn thiện nhưng nhà thầu thi công vẫn bình chân như vại.

600m đường ì ạch mãi không xong

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ QL5 vào Khu công nghiệp Hapro (QL181) có chiều dài hơn 6km và đã kéo dài 13 năm nay, nhưng hiện tại, đoạn qua phố Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) khoảng 600m vẫn chưa thể hoàn thiện.

Theo thông tin từ Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối từ QL5 vào Khu công nghiệp Hapro, qua phố Keo (QL181 nối sang Bắc Ninh), được thực hiện từ năm 2007 nhưng do vướng mắc GPMB nên vẫn còn 760m chưa thể thi công (đoạn qua phố Sủi 160m, đoạn qua phố Keo 600m).

Đoạn đường 600m thuộc dự án nâng cấp đường 181 qua phố Keo, Gia Lâm đầy ổ trâu

Đoạn đường 600m thuộc dự án nâng cấp đường 181 qua phố Keo, Gia Lâm đầy ổ trâu

Sau một thời gian tạm dừng thi công, vào tháng 6/2020 vừa qua, dự án đã được tái khởi động, nhưng đến nay vẫn y nguyên dù thực tế, nếu có mặt bằng sạch và tập trung thi công thì chỉ mất vài tuần là xong phần mặt đường.

Ghi nhận tại tuyến đường 600m đoạn qua phố Keo vào chiều 19/8 cho thấy, đây không còn đủ tiêu chí gọi là đường bởi vô số ổ "trâu", ổ "voi" rải khắp mặt đường.

Phương tiện chỉ có thể nối đuôi nhau ì ạch bò qua ừng ao nhỏ trên đường

Phương tiện chỉ có thể nối đuôi nhau ì ạch bò qua ừng ao nhỏ trên đường

Mặt đường chằng chịt những “ổ trâu, ổ voi”, trong khi lượng phương tiện lưu thông rất lớn, chủ yếu là xe tải, xe container chở hàng. Cả đoàn xe nối đuôi nhau, “bò” qua từng “ổ voi” trên đường.

MộĐã từng xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm trên đoạn đường qua phố Keo này
Đã từng xảy ra nhiều vụ TNGT thương tâm trên đoạn đường qua phố Keo này

Đáng nói, mặc dù là đường hai chiều nhưng gần như xe chỉ lưu thông được một chiều vì phải tránh những “ổ voi lớn”.

Anh Đặng Văn Tất ở phố Keo, xã Kim Sơn, Gia Lâm bức xúc: “Tuyến đường này được thi công cải tạo, mở rộng từ năm 2007, đến nay đã 13 năm nhưng ì ạch mãi vẫn chưa thể hoàn thiện. Trong khi đoạn qua phố Keo đã xuống cấp nghiêm trọng, đường không đủ tiêu chuẩn để phương tiện lưu thông, rất nhiều vụ TNGT thương tâm đã xảy ra ở đây”.

Trong khi việc giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện dù đã qua thời gian nhiều năm. Hiện vẫn còn hàng chục hộ dân chưa có phương án đền bù đất hay tái định cư.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dự án ì ạch mãi chưa xong là việc GPMB chưa hoàn thiện.

“Đây là dự án đã quá lâu, tình trạng đường gần như không đủ điều kiện để khai thác lưu hành, gần như phải đóng đường vì mất ATGT. Vì vậy, phải thi công ngay.

Trước đây, phương án thi công là khi nào địa phương bàn giao mặt bằng sạch thì nhà thầu sẽ đưa máy móc vào thi công, nhưng tình thế hiện tại đã quá cấp bách, tuyến đường đã xuống cấp không còn đủ tiêu chuẩn để phương tiện lưu thông nên buộc phải thi công từng đoạn nhỏ 50m, một bên thi công một bên để phương tiện lưu thông, dù tiết diện mặt đường cũng rất nhỏ, chỉ 7m”- ông Tuấn cho hay.

Cũng theo Giám đốc Ban QLDA, thêm một nguyên nhân khiến dự án bị chậm nữa là trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của Ban, phải xin ý kiến từ UBND TP Hà Nội, ý kiến từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam như thay đổi thiết kế rãnh thoát nước để tránh khu vực chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) hay thay đổi thiết kế mặt đường, mở rộng lòng đường.

Phê bình nhà thầu UDIC vì không triển khai thi công

Tại cuộc họp vào tháng 6 vừa qua giữa các bên gồm Ban QLDA, huyện Gia Lâm, xã Kim Sơn, các nhà thầu và các lực lượng liên quan, phương án thi công đã lên rõ ràng nhưng đến nay nhà thầu thi công là Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC quá chậm chạp, chưa triển khai thêm được một mét đường nào.

Thậm chí có những hạng mục như thi công cống ngang đường không vướng mắc về GPMB, chỉ cần tập trung trong 1 ngày hoặc 2 đêm; thi công rãnh thoát nước chỉ cần 2 - 3 đêm, nhưng từ tháng 6 đến nay đơn vị này vẫn không làm gì...

Theo ông Tuấn, do lưu lượng phương tiện lưu thông qua phố Keo lớn, tiết diện mặt đường nhỏ lại xuống cấp nghiêm trọng nên Ban QLDA đã báo Sở GTVT và địa phương liên quan thực hiện cấm đường để tập trung thi công, nhưng đã không được chấp thuận.

“Ngay từ tháng 6, Ban QLDA đã có cuộc họp triển khai, xây dựng phương án thi công, phân luồng phương tiện từ xa nhưng đều không được chấp thuận, thậm chí cấm cả contairner lưu thông qua đây để tập trung thi công, nhưng không được Sở GTVT Hà Nội và địa phương chấp thuận.

Nhưng, giờ không còn giải pháp nào khác thì bắt buộc phải làm, vì nếu không làm thì đường ngày một tồi tệ hơn. Trong quá trình thi công, xe cộ đi lại chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đây là bất khả kháng. Tôi cũng rất mong các phương tiện lưu thông qua phố Keo phải nghiêm túc chấp thuận việc điều tiết giao thông để giảm ùn tắc trong quá trình thi công.

Nếu được đóng đường để thi công thì chỉ khoảng 2 tuần sẽ xong hạng mục cải tạo mặt đường, êm thuận cho các phương tiện lưu thông”- ông Tuấn cho hay.

Tại cuộc họp giữa Ban QLDA, huyện Gia Lâm, xã Kim Sơn và các nhà thầu vào chiều 19/8, ông Phạm Hoàng Tuấn đã phê bình nhà thầu UDIC vì không tập trung thi công theo các phương án đã đưa ra.

Tại đây, nhà thầu UDIC cam kết, đến 20/9 sẽ hoàn thành cải tạo mặt đường 600m còn lại đoạn qua phố Keo.

“Nhà thầu UDIC đã cam kết, Ban cũng lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý riêng đoạn đường này. Nếu sau ngày 20/9 mà nhà thầu sẽ xong sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”- ông Tuấn nhấn mạnh.