- Đại biểu quốc hội: Đề nghị hạ độ tuổi tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp là từ 16 tuổi trở lên
- Quốc hội xem xét quy định mới về thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Thẩm tra dự án Luật trên, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó có hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể nội dung này trong Điều lệ MTTQ Việt Nam bảo đảm tính “độc lập tương đối” trong hoạt động giám sát, phản biện của các tổ chức thành viên trực thuộc, bảo đảm các tổ chức thành viên trực thuộc có thể chủ động thực hiện một số hoạt động giám sát đối với những đối tượng, nội dung liên quan đến đoàn viên, hội viên của tổ chức mình và thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ và quy định thống nhất về đối tượng, nội dung, thẩm quyền giám sát, phản biện xã hội tại Điều 26 và Điều 33 Luật MTTQ Việt Nam để bảo đảm phù hợp với vị trí, vai trò của các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ Việt Nam.
![]() |
Quang cảnh phiên họp |
Khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật (quy định theo hướng bỏ đơn vị hành chính tương đương. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp quy định “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định”. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cập nhật việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để bảo đảm tính thống nhất khi quy định nội dung này.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, liên quan đến hệ thống tổ chức công đoàn, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định hệ thống tổ chức công đoàn theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, vừa bảo đảm thực hiện theo Điều lệ Công đoàn, đồng thời, vẫn bám sát yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn theo tinh thần của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các quy định khác liên quan tới việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị rà soát một số vấn đề sau:
Đối với chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay từ ngày 1/8/2025, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm phù hợp, khả thi;
Có ý kiến đề nghị xác định rõ chủ thể hoặc cân nhắc bổ sung cơ sở pháp lý (như Quy chế mẫu) để hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân sau sắp xếp, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với những nơi không còn tổ chức công đoàn; đồng thời, không làm gián đoạn và phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (Điều 62 dự thảo Luật); Đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không còn tổ chức công đoàn.