Quốc hội xem xét quy định mới về thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong phiên họp sáng nay, 20-5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo Báo cáo thẩm tra, về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/ năm, không có tài sản bảo đảm (TSBĐ), Ủy ban Kinh tế và Tài chính (UBKTTC) của Quốc hội tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/ năm, khoản vay không có TSBĐ từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời đề nghị:

Rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/ năm, khoản vay không có TSBĐ; quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra;

Rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp thẩm quyền cho NHNN, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, Ủy ban KTTC nhận thấy việc bổ sung quy định về quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu là cần thiết; đề nghị rà soát, bảo đảm quy định chặt chẽ các điều kiện để thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu; vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã và cơ quan Công an cấp xã trong bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ TSBĐ; việc ủy quyền thu giữ TSBĐ;

Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thu giữ TSBĐ và xử lý TSBĐ sau thu giữ, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ TSBĐ, các bên có liên quan.

Về kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm TSBĐ cho khoản nợ xấu, Ủy ban KTTC tán thành việc quy định các trường hợp kê biên tài sản của người phải thi hành án đang được sử dụng làm TSBĐ cho khoản nợ xấu; đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp thi hành bản án liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba…

Về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính, Ủy ban KTTC tán thành xem xét quy định như tại dự thảo Luật; đề nghị rà soát các quy định cụ thể, tránh dẫn đến xung đột trong trường hợp giá trị TSBĐ lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nhiều bên cùng nhận bảo đảm và cùng đề nghị hoàn trả.

Việc hoàn trả TSBĐ cần được xem xét trong điều kiện đã có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm về quyền thu giữ TSBĐ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ. Trường hợp cần thiết, giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục cụ thể.

Ủy ban KTTC đề nghị rà soát, xác định đầy đủ, toàn diện các trường hợp cần chuyển tiếp, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc xung đột pháp luật; đề xuất cụ thể thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và bảo đảm đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành Luật.