Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 công ước quan trọng

ANTĐ - Trong buổi làm việc ngày 23-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày trước Quốc hội 2 tờ trình về phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Tạo cơ sở cho tăng cường đối thoại nhân quyền

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Tính đến tháng 3 năm 2014, trên thế giới đã có 158 quốc gia ký Công ước  và 141 quốc gia đã phê chuẩn Công ước này. Việt Nam đã ký Công ước Quyền của người khuyết tật vào năm 2007 và việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên Công ước.

Đây là việc làm quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền.

Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung.

Khi phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật, Chính phủ kiến nghị không bảo lưu điều khoản nào của Công ước và kiến nghị nên tuyên bố như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật phù hợp với pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bình đẳng như người không có khuyết tật”.

Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 công ước quan trọng ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 công ước quan trọng ảnh 2

Bộ trưởng Bộ lao động-thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đánh giá tác động về các mặt chính trị, kinh tế - xã hội của Công ước đối với Việt Nam, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hôi cho rằng, việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật ngoài sự phù hợp với xu thế chung của thế giới và cam kết quốc tế của Việt Nam còn làm tăng uy tín chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới.

Việc phê chuẩn Công ước này, cũng góp phần tăng cường hành lang pháp lý để người khuyết tật tham gia bình đẳng như các thành viên khác trong xã hội, huy động sự tham gia của toàn cộng đồng đối với việc hỗ trợ người khuyết tật góp phần giảm bớt gánh nặng cho nhà nước. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của xã hội đồng thời ảnh hưởng tích cực đến sự tham gia của người khuyết tật vào mọi hoạt động, góp phần giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti để hòa nhập cộng đồng.

Trong báo cáo thẩm tra vể việc phê chuẩn Công ước nói trên, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội khẳng định: Với việc trở thành thành viên chính thức của Công ước, Việt Nam một lần nữa đã khẳng định sự tuân thủ và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của mình về thực thi quyền của người khuyết tật, góp phần nâng cao vị thế và vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cũng như khẳng định chính sách đúng đắn của Nhà nước ta đối với người khuyết tật.

Trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, Ủy ban Đối ngoại nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập công ước này.

Chống các luận điệu vu cáo

Cũng liên quan tới vấn đề nhân quyền tại nội dung thứ 2 của buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cũng trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước nói trên.

Trong phần Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn công ước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng bày tỏ sự nhất trí đồng thời nhấn mạnh: Việc phê chuẩn Công ước phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc phê chuẩn Công ước phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó khẳng định mọi người có quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người

Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 công ước quan trọng ảnh 4

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Cũng theo ông Trần Văn Hằng, việc phê chuẩn Công ước là cơ sở pháp lý quan trọng không những đối với công tác bảo vệ và thực thi quyền con người tại Việt Nam mà còn góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc về việc tra tấn, ngược đãi phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam của các thế lực thù địch nhằm chống phá Nhà nước ta.

Với việc trở thành thành viên đầy đủ của Công ước chống tra tấn, chúng ta có thêm điều kiện tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền với các nước, các tổ chức quốc tế và tham gia hiệu quả hơn vào các thiết chế bảo vệ nhân quyền của Liên hợp quốc, thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong việc ghi nhận và đảm bảo thực thi các quy định và chuẩn mực của Liên hợp quốc về nhân quyền.