Quốc hội xem xét các quy định mới nhất về trường hợp dẫn độ, từ chối dẫn độ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại dự thảo Luật Dẫn độ, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới nổi bật về thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ …

Nêu rõ các trường hợp có thể bị dẫn độ

Trình bày Tờ trình dự án Luật Dẫn độ trước Quốc hội sáng 24-5, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, về các trường hợp có thể bị dẫn độ, dự thảo Luật kế thừa quy định về trường hợp bị dẫn độ trong Luật TTTP; đồng thời bổ sung trường hợp yêu cầu dẫn độ liên quan đến nhiều hành vi phạm tội, trong đó mỗi hành vi cấu thành một tội phạm theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài và có ít nhất một hành vi đáp ứng được các điều kiện “hành vi phạm tội mà pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài quy định hình phạt tù có thời hạn từ 1 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người đó còn lại ít nhất 6 tháng” thì Việt Nam có thể đồng ý dẫn độ đối với tất cả các hành vi đó.

Trường hợp Việt Nam là nước yêu cầu, Bộ Công an đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đồng ý dẫn độ với các trường hợp tương tự.

Về dẫn độ có điều kiện, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ điều kiện này.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình trước Quốc hội

Trường hợp nước ngoài phải thực hiện một hoặc một số điều kiện để Việt Nam đồng ý dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài chấp nhận các điều kiện này. Đây cũng là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP.

Về thông báo liên quan đến hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đưa ra một trong các thông báo sau:

Thông báo không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc không bị thi hành hình phạt tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự;

Thông báo không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ không thuộc trường hợp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này. Đây là quy định mới được bổ sung so với Luật TTTP.

Quy định trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ

Cũng theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, Dự thảo Luật Dẫn độ quy định về không truy cứu trách nhiệm hình sự, không thi hành án đối với người bị dẫn độ ngoài tội phạm được nêu trong yêu cầu dẫn độ; không dẫn độ cho nước thứ ba. Theo đó, người bị dẫn độ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không phải thi hành án tại nước yêu cầu dẫn độ vì một tội khác với tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ được thực hiện trước khi bị dẫn độ hoặc không bị dẫn độ cho nước thứ ba, trừ các trường hợp quy định.

Đối với việc dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, Điều 18 của dự thảo Luật quy định cơ quan trung ương về dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền lập yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành án.

Về tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam, sau khi nhận được quyết định dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Bộ Công an thành lập đoàn tiếp nhận, áp giải người bị dẫn độ từ nước ngoài về Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết Điều này.

Về dẫn độ từ Việt Nam ra nước ngoài, dự thảo Luật quy định để đảm bảo thực hiện yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định tại BLTTHS. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được thực hiện khi nước ngoài chuyển hồ sơ yêu cầu dẫn độ chính thức đến Việt Nam, trừ trường hợp tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.

Về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, dự thảo Luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 BLTTHS, nếu nước yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định cụ thể về hoãn dẫn độ và tiếp tục thi hành quyết định dẫn độ; Dẫn độ tạm thời; Từ chối dẫn độ cho nước ngoài…