Quốc hội xem xét "1 luật sửa 7 luật" về đấu thầu, quản lý sử dụng tài sản công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ; tăng cường giám sát, hậu kiểm, cơ chế xử lý các rủi ro phát sinh để bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách” …

Sáng 17-5, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật gồm Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) của Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được tự quyết định hoạt động đấu thầu đối với việc mua sắm thường xuyên, phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư không sử dụng ngân sách Nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực và trách nhiệm giải trình để bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính…

Dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Ủy ban KTTC cho rằng, quy định này có thể tạo điều kiện rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng dễ dẫn đến phát sinh cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho một số doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thân hữu, dẫn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận việc mua sắm công, tham gia các dự án đầu tư công. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động chính sách, báo cáo rõ về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, đa số ý kiến Ủy ban KTTC nhất trí bổ sung 2 nội dung mới là “chính sách đối với các dự án đầu tư công đặc biệt” và “nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng” nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể để thực hiện, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung về một số quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi phát sinh thay đổi dẫn đến tăng số vốn đầu tư công, không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư dự án từ các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; đề xuất sửa đổi, bổ sung căn cứ hạn mức vốn…

Ủy ban KTTC đề nghị rà soát các quy định để bảo đảm tính chặt chẽ và bảo đảm việc bố trí nguồn vốn thực hiện dự án phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Ủy ban KTTC thống nhất với đề xuất sửa đổi, bổ sung tại các Luật này, trong đó, tập trung về chế độ ưu đãi đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ; tăng cường cơ chế giám sát, hậu kiểm, cơ chế xử lý các rủi ro phát sinh để bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách…