Quốc hội tranh luận: Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê?

ANTD.VN - Chiều 26-5, vấn đề nên hay không nên bổ sung dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh tiếp tục làm "nóng" nghị trường khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội chưa thống nhất liệu có cấm dịch vụ đòi nợ

"Lý lẽ cấm hay không cấm đều thuyết phục"

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) thống nhất phương án không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bởi "không thể ngành nào nhà nước quản lý khó là cấm kinh doanh mà nên tạo điều kiện cho dân kinh doanh còn nhà nước tìm cách quản lý phù hợp".

"Thực tế cấm mà nhu cầu xã hội cần thì dịch vụ này vẫn tồn tại và hiện nay có trường hợp trá hình nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu “xã hội đen”, vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm minh”, ông Hoà nhấn mạnh.

Theo lịch làm việc, ngày 17-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi)

Trong khi đó, đại biểu Phạm Như Hiệp (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị không cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì đóng góp của ngành nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội mà nó mang lại, đặc biệt sau những vụ việc nhà nước phải khắc phục hậu quả. 

“Thời gian qua, mặc dù có quy định dịch vụ kinh doanh thu hồi nợ song nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành những băng nhóm “xã hội đen” nhằm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, gây mất trật tự an toàn xã hội dẫn tới nhiều hệ lụy, thậm chí đe doạ nghiêm trọng tới tính mạng và thúc đẩy nhiều loại tội phạm phát triển”, ông Hiệp phân tích.

Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng) cho rằng lý lẽ cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đều khá thuyết phục, mặc dù đưa ra 2 phương án nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không đưa ra quan điểm nghiêng về phương án nào. 

Ủng hộ phương án không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, ông Hải nhấn mạnh quan tâm hai nhóm giải pháp. Thứ nhất, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định để phát huy hiệu lực các biện pháp xử lý nợ khác. Thứ hai, tăng cường đảm bảo hiệu lực quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia không cấm nhưng quy định rất chặt chẽ về điều kiện kinh doanh với loại hình dịch vụ này, từ điều kiện thành lập đến quy trình thu hồi nợ…

“Nhiều nước thậm chí còn quy định thời gian được phép gọi điện thoại đòi nợ, Thái Lan là từ 8h đến 20h, ở Mỹ là từ 8h đến 21h, không được muộn hơn; hoặc trong quá trình đòi nợ không được tiếp cận, làm phiền với hàng xóm của người vay nợ", ông Ngân dẫn chứng.

Đề nghị "siết" dịch vụ thám tử tư

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung dịch vụ điều tra thám tử tư.

Theo ông Cường, trước kia dịch vụ này bị cấm, năm 2014, Luật Đầu tư ra đời nhưng không đưa dịch vụ này vào mục ngành nghề cấm cũng như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì thế dịch vụ này từ bị cấm trở thành hoạt động tự do, không chịu bất cứ ràng buộc pháp lý nào.

Thực tế dịch vụ này khá phổ biến, tuy nhiên đây là dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, dễ xâm hại đến quyền, lợi ích người khác nên nếu hoạt động mà không có điều kiện thì rất dễ dẫn đến vi phạm quyền con người, quyền công dân, mất an ninh trật tự xã hội…

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng dịch vụ thám tử tư là nhu cầu thực tiễn xã hội cần có, ngành nghề này cũng không ảnh hưởng an ninh quốc gia, vì vậy nên cho phép người dân kinh doanh. “Tuy nhiên nếu kinh doanh mà có sai phạm thì phải xử lý theo quy định pháp luật”, ông Hoà nhấn mạnh.

3. Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. 

Về vấn đề này do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định: 

Phương án 1: xin được giữ quy định như dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2: tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.

Vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

(Trích báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư sửa đổi)