Quốc hội thảo luận Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi

ANTD.VN - Câu chuyện sinh động của đại biểu Tạ Văn Hạ khiến hội trường bật lên nhiều tiếng cười vui vẻ, nhưng cũng chỉ ra một thực tế mà quy định của dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) còn thiếu chặt chẽ.

Đối tượng, phạm vi phải kê khai tài sản là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm phân tích, dẫn chứng sinh động trong phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), chiều 13-6.

Bàn về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) dẫn ra một thực tế rằng người tham nhũng khi chưa nghỉ hưu thì tài sản tham nhũng đứng tên họ hàng, người thân nhưng khi nghỉ hưu thì sẽ được hợp pháp hóa để chuyển nhượng lại.

Đại biểu Tạ Văn Hạ

Dẫn ra một thực tế rằng hiện nay tài sản tham nhũng, khi người tham nhũng chưa nghỉ hưu thì đứng tên họ hàng, người thân nhưng khi nghỉ hưu thì sẽ được hợp pháp hóa để chuyển nhượng lại, đại biểu Hạ đề nghị phải truy rõ nguồn gốc của loại tài sản do tham nhũng mà có này.

"Tôi xin kể một câu chuyện như thế này, có một ông bố rất nghèo ở quê, có 2 con làm quan lớn. Trước khi từ trần, ông bố mời luật sư, gọi 2 người con về dặn rằng: Bố có để lại cho các con, mỗi người 500 cây vàng. Các con ngạc nhiên quá mới hỏi rằng tại sao bố nghèo như thế mà lại có khoản tiền lớn như vậy. Người cha trả lời: Làm gì có cây vàng nào, bố di chúc thế để đề phòng khi các con phải kê khai tài sản phát sinh thì tài sản đó đã có nguồn gốc là do được bố đẻ để lại”. Kể chuyện cười ra nước mắt này, đại biểu Hạ kiến nghị phải xem xét, quy định đối tượng kê khai tài sản sao cho phù hợp, chặt chẽ.

Đại biểu của tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, việc công khai tài sản nên để người dân giám sát là hiệu quả nhất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng quy định nghĩa vụ kê khai tài sản quy định tại dự thảo luật chưa chặt chẽ

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng đã có nhiều ý kiến đề cập tới đối tượng kê khai tài sản, thu nhập song còn một đối tượng chưa đề cập khiến ông thấy băn khoăn.

Đại biểu Hà Nội bắt đầu vào vấn đề bằng một sự thật, đó là có những cô gái mới 19 tuổi hay nhiều người mới là trưởng, phó phòng song đã có biệt phủ đã có biệt phủ xây trên đất diện tích hàng ngàn m2.

"Người dân thừa biết tài sản đó từ đâu mà có, dư luận thì xôn xao, nhiều trường hợp báo chí cũng nhiều lần đề cập song không làm gì được. Vì hiện nay quy định con cái đã thành niên thì người có nghĩa vụ kê khai không phải kê khai tài sản, thu nhập. Vì không có luật nên chúng ta thua về lý", ông Trí phân tích và mong rằng ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi luật để giải quyết bất cập này.

Đại biểu Hà Nội ví dụ, khi có dư luận, báo chí vào cuộc về khối tài sản khủng nghi tham nhũng thì có thể yêu cầu con thành niên cũng phải kê khai tài sản.

"Lò đã nóng lửa song dù nóng triệu độ C mà lỗ hổng trong luật vẫn còn vẫn chưa thể đưa “củi” vào lò", ông Nguyễn Anh Trí ví von để nhấn mạnh việc cần đảm bảo tính chặt chẽ trong việc quy định luật.

 Điều 36. Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (mới)

1. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. 

2. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai trung thực, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

(trích dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi)