Quốc hội tán thành cao Luật Thủ đô

ANTĐ - Sáng 26-10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc tờ trình về Dự án Luật Thủ đô. Theo tờ trình này, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế trong cả nước, do đó cần có những hành lang pháp lý hữu hiệu để góp phần xây dựng Thủ đô xứng tầm với vị trí của mình. 

Điểm đáng chú ý là ngay từ Chương I, Dự án Luật Thủ đô lần này đã có những chỉnh sửa cơ bản, trong đó bổ sung khái niệm về “Vùng Thủ đô”, quy định trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước, chọn biểu tượng Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong bản dự thảo có một điều về quản lý đất đai, trong đó nhấn mạnh đến việc sẽ không mở rộng mà thực hiện di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi khu vực nội thành. Quỹ đất từ các cơ sở được di dời này sẽ được ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm nhất trong dự thảo luật Thủ đô lần này là những quy định về Quản lý dân cư của Thủ đô. Đây cũng chính là nội dung chưa tạo được sự đồng thuận cao của các ĐBQH khóa XII, dẫn đến Luật Thủ đô chưa được thông qua. Tuy nhiên, trong Tờ trình lần này, quy định về quản lý dân cư trong Luật Thủ đô đã được chỉnh sửa hợp lý hơn. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành.

Kể từ khi Luật cư trú có hiệu lực, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành, khiến cho các điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của thành phố như giáo dục, y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp. Do vậy, tại dự thảo Luật Thủ đô, Chính phủ đưa ra 2 phương án về các biện pháp hành chính khi đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn so với Luật cư trú hiện hành. Ngoài các trường hợp chuyển hộ khẩu theo chồng hoặc vợ, công dân muốn được đăng ký thường trú ở nội thành thì phải có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên...

Ngoài ra, dự thảo Luật Thủ đô cũng đưa ra một số cơ chế, chính sách như: mức phân bổ chi ngân sách cao hơn cho Thủ đô; cho phép Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng Nhà nước cho Thủ đô để đầu tư các công trình, dự án quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Mặt khác, Thủ đô cũng được phép thu phí tham gia giao thông ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần trong lĩnh vực giao thông vận tải so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định.

Tương tự, tại các quận nội thành cũng sẽ được áp dụng mức tiền phạt vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai và xây dựng cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Thủ đô do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày sau đó về cơ bản nêu quan điểm tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Báo cáo thẩm tra đánh giá, dự thảo Luật Thủ đô lần này đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH khoá XII, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan; đồng thời, đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có những quy định phù hợp.  So với dự thảo Luật đã trình tại các kỳ họp trước, các quy định trong dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý lại phù hợp hơn, có tính khả thi cao hơn. 

Chiều nay (27-10), các ĐBQH sẽ tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô. Dự kiến vào chiều 21-11, dự án Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Hòa Bình): Mong Thủ đô sớm có bộ luật riêng!

Tôi là ĐBQH nhưng cũng như nhiều người dân trong cả nước, đều mong muốn Luật Thủ đô được thông qua, càng sớm càng tốt để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. Tuy vậy, nội dung của Luật Thủ đô cần phải có chất lượng, khả thi, bám sát và phù hợp với bộ luật, các văn bản pháp lý và nhất là phải có sự đồng bộ giữa Hà Nội và các tỉnh/thành phố khác trong cả nước, tránh làm gián đoạn sự liên hệ giữa Thủ đô với các địa phương. Đặc biệt, cần phải làm nổi bật vị thế phát triển của Thủ đô, vừa là một trung tâm chính trị - hành chính quốc gia vừa là trung tâm kinh tế-văn hóa-giáo dục.

Ngoài ra, tôi góp ý, trong Luật Thủ đô cần có quy định rõ ràng hơn về cách thức thu hút nguồn nhân lực đến với Thủ đô.