70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam:

"Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước"

ANTĐ - Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 13 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới quan trọng về tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước.
"Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước" ảnh 1

Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946 (Ảnh tư liệu)

Trong giai đoạn từ 1946-1960, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 1954-1960, theo Hiệp định Geneve, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền Nam-Bắc. Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội đã từng bước được khẳng định. 

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan quyền lực cao nhất: nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ báo cáo những công việc đã làm được trong thời gian trước đó; biểu quyết thông qua danh sách thành viên của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến gồm 12 người; bầu Ban Thường trực Quốc hội… Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Đó là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng của các giai cấp”.

Có thể nói, Quốc hội khóa I đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước Dân chủ Cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trong thời kỳ này, Quốc hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, bảo đảm cho Chính phủ đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Từ năm 1954-1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà theo quy định của Hiệp định Geneve.

Cũng trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, ngoài Hiến pháp 1946, Quốc hội khóa I đã xem xét thông qua 16 đạo luật và 50 Nghị quyết, trong đó, có nhiều đạo luật quan trọng như Luật Cải cách ruộng đất, Luật Quy định quyền tự do hội họp… Đây là những đạo luật quy định những quyền rất cơ bản của nhân dân. Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.