Quốc hội sẽ xem xét nhân sự mới

ANTĐ - Ngày 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Điều 170 Luật Doanh nghiệp sẽ được sửa đổi và trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 5

theo hướng cho phép đăng ký lại đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Dự kiến, kỳ họp sẽ chính thức khai mạc vào 9 giờ sáng 20-5 và bế mạc vào 21-6-2013. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật: Luật Đất đai sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Một số dự án luật sẽ được cho ý kiến lần đầu, gồm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật Việc làm… Ngoài các nội dung khác về kinh tế xã hội, các bộ, ngành cũng sẽ gửi báo cáo riêng cho Quốc hội về một số nội dung: tình hình thực hiện dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên; công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian vừa qua... 

Đặc biệt, tại kỳ họp, Quốc hội còn thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt và làm công tác nhân sự. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, liên quan đến nội dung này, Ban Công tác đại biểu đề nghị chỉ bố trí thảo luận ở đoàn khi UBTVQH thấy cần thiết, vì có thể đại biểu sẽ không có yêu cầu làm rõ hay xác minh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và nhiều thành viên khác trong UBTVQH nhận định, việc thảo luận riêng ở các đoàn trước khi tiến hành bỏ phiếu là rất cần thiết, do đó đề nghị phải ấn định vào chương trình nghị sự. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là làm sao để người đại biểu công tâm, khách quan; chắt lọc được thông tin qua ý kiến nhân dân để có chính kiến độc lập, đánh giá tín nhiệm một cách chính xác”.

Qua thảo luận, UBTVQH dự kiến sẽ dành ngày 24-5 để Quốc hội làm công tác nhân sự. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Bộ trưởng Tài chính đã được giao nhiệm vụ khác nên lần này Quốc hội sẽ phê chuẩn Bộ trưởng mới. Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm, chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng có điều chuyển nên Quốc hội cũng sẽ bầu Tổng Kiểm toán mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính đương nhiệm là ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dù đã nắm giữ cương vị công tác mới nhưng ông Vương Đình Huệ vẫn chưa được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính. Tổng Kiểm toán Nhà nước hiện là ông Đinh Tiến Dũng.

Chiều 15-5, UBTVQH thảo luận, nhất trí với việc sửa đổi điều 170 của Luật Doanh nghiệp theo hướng cho phép đăng ký lại đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc sửa đổi được đề nghị Quốc hội thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn tại một kỳ họp – kỳ họp thứ 5 sắp tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc về việc đôn đốc, triển khai các quy định của Luật Doanh nghiệp để đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Liên quan tới Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, cơ quan thẩm tra cũng tán thành với các sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về ưu đãi đối với nhà thầu, ưu đãi đối với hàng hóa và phương pháp tính ưu đãi nhằm tạo cơ chế thuận lợi, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện nâng cao trình độ, kỹ thuật cho nhà thầu Việt Nam khi tham gia đấu thầu quốc tế; tán thành với quy định ưu tiên doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có trên 50% lao động là thương binh, người tàn tật như Tờ trình của Chính phủ, song đề nghị rà soát về sự tương thích của các ưu đãi này với các quy định về bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Về chỉ định thầu, có ý kiến đề nghị không nên mở rộng, chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự luật phải rà soát các quy định có liên quan, đảm bảo tính bao quát, sự thống nhất của toàn bộ  hệ thống văn bản pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, hoạt động đấu thầu thuốc vừa qua có nhiều bất cập. Do vậy, cần tính toán hết các loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để quy định cho chặt chẽ.