Quốc hội sẽ nghe báo cáo về sửa quy định hưởng Bảo hiểm xã hội một lần

ANTĐ -Bắt đầu từ ngày mai (20-5), kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức khai mạc và dự kiến kéo dài trong gần 40 ngày, bế mạc vào 26-6. Bên cạnh nội dung lập pháp, xây dựng luật, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề hệ trọng của đất nước cũng như vấn đề dân sinh bức xúc

Văn phòng Quốc hội họp báo công bố chương trình kỳ họp 9

Sáng 19-5, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm VPQH cho biết, trọng tâm của kỳ họp là công tác lập pháp, theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9 sẽ thông qua 11 dự án luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến đối với 15 dự án luật.

Các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật bầu cử ĐBQH và HĐND, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật tài nguyên môi trường và hải đảo, Luật Thú y, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến gồm: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân…

Bên cạnh công tác xây dựng luật, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. Cụ thể, Quốc hội sẽ nghe báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2014 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2015; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Một vấn đề được nhiều đại biểu và nhân dân quan tâm khác là Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật…

 

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm VPQH cho biết, kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIII sẽ kéo dài hơn 1 tháng, thông qua 11 dự án luật

Sẽ thảo luận việc sửa Điều 60 Luật BHXH

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bố trí thời gian nghe Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo về điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014. Trả lời báo chí về việc Quốc hội có xem xét sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH 2014 về quy định hưởng BHXH 1 lần, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VPQH cho biết, hiện Chính phủ chưa trình Quốc hội tờ trình sửa đổi điều luật này.

“Việc làm luật và chỉnh luật là của Quốc hội, lưu ý là chúng ta có quy trình sửa đổi luật chặt chẽ, đến nay Chính phủ chưa có văn bản trình chính thức sửa đổi điều 60. Luật BHXH từ 1-1-2016 mới có hiệu lực, đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn. Tôi cho rằng, chúng ta hướng tới hòa nhập với thế giới, việc sửa đổi luật để đảm bảo tính lâu dài thì cũng phù hợp với thông lệ quốc tế” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Cũng theo Chủ nhiệm VPQH, trong quá trình làm tờ trình của Chính phủ về sửa đổi luật này năm 2014 đều khẳng định mục tiêu của điều 60 là rất nhân văn và đúng đắn, nhằm đảm bảo người lao động về già đều có lương hưu. Tuy nhiên thời gian qua có công nhân một số nơi kiến nghi sửa đổi điều này, muốn hưởng BHXH 1 lần. Bất cứ một điều luật nào cũng có giai đoạn chuyển tiếp nhưng nếu công nhân đều kêu thì phải xem xét lại.

“Vừa rồi Chính phủ có báo cáo tại Ủy ban Thường vụ nên trong thiết kế chương trình kỳ họp này, chúng tôi cũng bố trí có phần báo cáo thêm về điều 60 này tại hội trường. Việc sửa hay không chờ các ý kiến của các ĐBQH. Còn quan điểm của tôi thì khi có điều mới thì cần quá trình bàn bạc, qua thực tiễn, rất cần tuyên truyền để công nhân hiểu điều ưu việt của quy định này” – Chủ nhiệm VPQH nói thêm.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi của báo chí tại cuộc họp báo

Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga

Cũng theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, vụ việc của bà Châu Thị Thu Nga là một điều rất đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang cố gắng tăng tỷ lệ ĐBQH nữ. Bà Châu Thị Thu Nga là một trong hai nữ đại biểu Quốc hội tự ứng cử, không may vi phạm pháp luật. Hiện bà Nga đã bị tạm đình chỉ hoạt động và cơ quan điều tra đang điều tra chưa có kết quả chính thức.

Theo điều 56, Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Nga không còn uy tín trước cử tri nữa nên các cơ quan liên quan đã có văn bản chính thức đề nghị xem xét bãi miễn đại biểu ĐB Nga. Quốc hội sẽ xem xét bãi miễn theo đúng quy định pháp luật.