Quốc hội sẽ có ít nhất 40% số đại biểu hoạt động chuyên trách

ANTD.VN - "Số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH" nằm trong số những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua chiều 19-6.

Quy định số ĐBQH chuyên trách chiếm ít nhất 40% tổng số đại biểu sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2021

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, có ý kiến tán thành việc nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên 40% tổng số ĐBQH; ý kiến khác đề nghị nâng tỷ lệ này lên trên 50%. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự. 

Do còn ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã tiến hành biểu quyết, kết quả có 445 đại biểu (bằng 92,13% tổng số ĐBQH) đồng tình với quy định mức đại biểu chuyên trách là tối thiểu 40%.

Cũng theo báo cáo giải trình, một số ý kiến đề nghị cần quy định tiêu chuẩn cụ thể cao hơn đối với ĐBQH, đồng thời, không quy định tiêu chuẩn về độ tuổi đối với ĐBQH. Ý kiến khác không tán thành và cho rằng, ĐBQH là người đại diện cho các giai tầng khác nhau trong xã hội nên không thể quy vào một tiêu chuẩn chung.  

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo Hiến pháp, công dân từ đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội. Điều này có nghĩa là, Hiến pháp chỉ quy định điều kiện về độ tuổi tối thiểu của người ứng cử vào Quốc hội mà không có sự phân biệt đối xử hay hạn chế về thành phần xã hội, giới tính, dân tộc, tôn giáo, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn… 

“Do vậy, ngoài các tiêu chuẩn chung của ĐBQH đã được Luật Tổ chức Quốc hội quy định, nếu đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực, kỹ năng làm việc thì sẽ làm hạn chế quyền ứng cử vào Quốc hội của công dân đã được quy định trong Hiến pháp”, báo cáo cho hay.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 để có cơ sở pháp lý áp dụng trong quá trình chuẩn bị nhân sự bầu cử ĐBQH khóa XV.