Quốc hội Mỹ “đau đầu” vì chương trình tàu ngầm thay thế Ohio

ANTĐ - Vấn đề chi tiêu quân sự lại khiến quốc hội Mỹ đau đầu, lần này là do chi phí của chương trình tàu ngầm thay thế lớp Ohio đang phình to và có thể ảnh hưởng đến các dự án khác.

Chi phí xây dựng thế hệ tàu ngầm thay thế lớp Ohio đã được đề ra ở mức 93 tỉ USD cho cả vòng đời, và dự án này sẽ có kế hoạch hoàn thành vào năm 2030. Hiện hạm đội tàu ngầm Ohio đã đi vào phục vụ từ năm 1981.

Tàu ngầm thay thế lớp Ohio đang tiếp tục có chi phí vượt dự trù ngân sách 

“Tôi thấy quan ngại về việc thay thế tàu ngầm lớp Ohio. Chi phí của nó có thể ảnh hưởng tới các dự án đóng tàu khác và chúng ta thì còn những nhu cầu khác”, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng Hạ viện Mỹ Mac Thornberry nhận định.

Tàu ngầm thay thế Ohio được thiết kế với nhiều công nghệ cao, khả năng tàng hình, hoạt động yên tĩnh, cũng như khả năng răn đe hạt nhân đáp trả sau khi sống sót từ một cuộc tấn công của kẻ địch.

Mỹ sẽ xây dựng một hạm đội 12 chiếc tàu ngầm, có chiều dài 185m, mang theo được 16 tên lửa Trident II D5, có thể bắn từ các ống phóng dài 14m.

Ngân sách của các tàu ngầm này từ lâu đã là đề tài gây nhiều tranh cãi. Vào năm 2014, quốc hội đã xây dựng quỹ “phòng thủ trên biển quốc gia”, dành riêng cho việc đóng tàu ngầm, nhằm tránh chi phí của chương trình này ảnh hưởng đến ngân sách của cả hải quân. Những người ủng hộ cho quỹ này cho rằng, dự án lớn như tàu ngầm tấn công hạt nhân nên được coi là “quyền lợi quốc gia” và cần phải được tính riêng với ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là việc chưa từng có tiền lệ và là một cách để che đậy các loại chi phí khổng lồ và vẫn đang có xu hướng tăng lên của loại tàu ngầm này. Ngoài ra, việc này cũng có thể dẫn đến một vài lực lượng khác cũng thực hiện cách tương tự để tiêu xài không có trách nhiệm nguồn tài chính dành cho các dự án của mình, ví dụ như dự án máy bay ném bom mới của không quân Mỹ.