- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lý do chưa làm làn dừng khẩn cấp ở dự án đường vành đai
- ĐBQH: "Khi có tin Quốc hội thảo luận về đường vành đai 4, giá đất đã tăng nhiều lần"
Tại Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, UBTVQH cho rằng, dự án với vai trò liên kết vùng, giúp tái cấu trúc đô thị của các địa phương trong vùng, khai thác hiệu quả các đô thị vệ tinh góp phần giãn mật độ dân cư khu vực nội đô; tách giao thông liên tỉnh với giao thông nội đô, giảm thiểu ùn tắc giao thông; thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phát triển các hành lang kinh tế và thu hút đầu tư, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho các địa phương trong vùng.
Các tuyến vành đai nằm trong khu vực đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, hệ thống hạ tầng nội đô chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, đến năm 2027 cần thiết phải đưa Dự án đường Vành đai 4 vào vận hành khai thác. Việc sớm đầu tư tuyến Vành đai 4 sẽ giúp khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai khác để bảo đảm các mục tiêu phát triển của Thành phố và Vùng Thủ đô.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội |
Theo quy hoạch đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị song hành hai bên, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Để phù hợp với số liệu dự báo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn, Dự án được nghiên cứu phân kỳ đầu tư theo quy mô 17m, tương tự như tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Về tính khả thi đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án thành phần 3, UBTVQH nêu rõ, các nhà đầu tư đều có cam kết đối với việc huy động vốn trên thị trường và khẳng định tính khả thi của Dự án. Việc đánh giá cụ thể năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục thực hiện tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án.
Đồng thời, qua kết quả tính toán sơ bộ về phương án tài chính có các thông số bảo đảm khả thi, thời gian hoàn vốn 21 năm, do đó, việc áp dụng phương thức đầu tư PPP là có cơ sở.
Trong thời gian đầu khi lưu lượng giao thông chưa cao, việc đầu tư theo phương án phân kỳ mặt cắt ngang 17m sẽ phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh.
Để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách để bảo đảm giao thông được thông suốt.
Trước ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ hơn về suất đầu tư của Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cao hơn 1,2 lần so với Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, UBTVQH cho rằng, do phương án thiết kế sơ bộ của mỗi dự án có các giải pháp kỹ thuật, khối lượng khác nhau (đường Vành đai 4 có chiều dài cầu cạn 66,72km, chiếm 59% và 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống, nút giao liên thông; đường Vành đai 3 có chiều dài cầu cạn 12,75km, chiếm 17% và 6 nút giao) do đó suất vốn đầu tư của 2 dự án là có sự khác biệt.
Một số ý kiến đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện thành 2 năm từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua hoặc toàn thời gian thực hiện Dự án.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đồng thời tránh có thể dẫn đến việc lạm dụng các cơ chế đặc biệt trong khi quy định về đầu tư đã tương đối đầy đủ, UBTVQH xin thể hiện nội dung này tại dự thảo Nghị quyết theo hướng các cơ chế đặc biệt này được áp dụng trong thời gian 2 năm, từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua.