Quảng Nam: Cuối cùng “cũng chịu” công bố dịch heo tai xanh

ANTĐ - Theo ghi nhận của phóng viên, nghịch lý một điều là cho đến thời điểm ngày 19/10, dịch tai xanh tại xã Điện Ngọc đang bắt đầu “hạ nhiệt”, các hộ xảy ra dịch sau thời gian “chiến đấu” với virus Lelystad gây bệnh đã dần “thấy ánh sáng cuối đường hầm” khi mà một số heo bệnh trước đây sau thời gian điều trị đã có dấu hiệu hồi phục, ăn uống trở lại.

Ngày 19/10, cuối cùng sau 20 ngày dịch heo tai xanh bùng phát, UBND tỉnh Quảng Nam mới “chịu” công bố dịch heo tai xanh. Xuất phát điểm của dịch là từ xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn và cho đến thời điểm này, dịch đã lây lan sang thành phố Hội An, các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Duy Xuyên và huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Trong đó, Điện Bàn vẫn là “ổ dịch”.

Phun thuốc khử trùng chuồng trại hạn chế sự lây lan của dịch

Tập trung tiêm phòng vắc xin cho đàn heo để khống chế dịch lây lan

Theo đó, chủ tịch UBND huyện Điện Bàn chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt để dập dịch, khống chế dịch; khẩn trương triển khai công tác chốt chặn đến từng xã, thị trấn; thông báo đến toàn dân, cấm tất cả việc vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, các sản phẩm của lợn trên toàn địa bàn huyện; tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của ngành Thú y, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi thường xuyên và triệt để, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về số lượng, trọng lượng lợn tiêu hủy trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp theo quy định, không để dịch lây lan ra diện rộng; chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh xác định vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, vùng nguy cơ cao với bệnh lợn tai xanh, hướng dẫn các địa phương phòng bệnh theo quy định tại Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; tập trung cán bộ, kỹ thuật, phương tiện, vật tư... nhanh chóng bao vây dập tắt các ổ dịch tai xanh ở lợn; theo dõi, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, tổng hợp diễn biến tình hình của dịch bệnh, báo cáo kịp thời UBND tỉnh để có giải pháp chỉ đạo chống dịch.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan và có chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tai xanh ở lợn theo quy định của Pháp lệnh Thú y, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ và Quyết định số 80/2008/QĐ-BNN ngày 15/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chủ vật nuôi có trách nhiệm chấp hành việc xử lý lợn chết hoặc lợn bắt buộc tiêu hủy do bị bệnh tai xanh, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo hướng dẫn của ngành Thú y.

Về kinh phí phòng chống dịch, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Điện Bàn chủ động sử dụng nguồn kinh phí đã giao trong dự toán của năm 2011 để phục vụ công tác này. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc theo quy định tại Quyết định số 1442/QĐ-TTg (ngày 23/8/2011) của Thủ tướng Chính phủ.

Ngành thú y Quảng Nam cho biết, ngày 19/10 vi rút gây dịch tai xanh tiếp tục lây lan đến thôn 8B (xã Điện Nam Trung) và thôn Ngọc Vinh (xã Điện Ngọc, Điện Bàn) khiến 64 con heo của 11 hộ chăn nuôi bị nhiễm bệnh. Như vậy, tính đến thời điểm này trên địa bàn 6 xã của huyện Điện Bàn đã có tổng cộng 1.124 con heo của 103 hộ dân ở 25 thôn bị mắc dịch tai xanh, trong đó hơn một nửa phải tiêu hủy khẩn 

Chiều 19/10, ông Bùi Thanh Việt – Trưởng trạm Thú y Thăng Bình cho biết, đơn vị vừa tiếp tục chi viện thêm 830 lít hóa chất benkocid cho chính quyền 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc trên phạm vi rộng.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên thông tin, ngoài 1 nghìn lít hóa chất các loại đã cấp hồi cuối tuần trước, sáng 18/10, đơn vị này tiếp tục phân bổ thêm 200 lít hóa chất benkocid cho 14 xã, thị trấn để tiếp tục khử trùng trên diện rộng.