Quảng cáo rao vặt bát nháo: Loay hoay tìm “thuốc đặc trị”

ANTĐ - Thêm một đoàn kiểm tra thực trạng rao vặt quảng cáo trái phép trên địa bàn Hà Nội được thành lập. Khác với mọi lần, không “trống giong cờ mở”, đoàn kiểm tra lặng lẽ sử dụng máy quay, máy ảnh… để lấy bằng chứng.

Từ lem nhem này đến lem nhem khác

Biển quảng cáo miễn phí nhếch nhác trên phố Yết Kiêu

Sau đợt ra quân rầm rộ năm 2010, các hoạt động quảng cáo rao vặt trái phép có vẻ lắng xuống. Nhưng đến đầu năm 2012 tình trạng này tái bùng phát với những vi phạm “thông minh” và thách thức hơn. “Thông minh” ở chỗ, những tờ giấy dán thuộc diện siêu mỏng và sử dụng keo siêu dính, không thể bóc được. Chỉ có duy nhất một cách là dấp nước, chờ giấy mủn ra thì dùng bàn chải sắt cọ, mà chưa chắc đã sạch 100%. Nhưng ác cái, họ lại cứ nhè cột điện, hộp cáp điện mà dán. Nếu cứ bàn chải sắt mà chà vào cột điện, khác nào đùa với “tử thần”. Không chỉ có thế, bảng quảng cáo còn được thiết kế bằng nhựa, rồi treo lên các đường dây điện. Thành ra, nếu không có sự hỗ trợ của điện lực, chẳng ai dám trèo lên gỡ.

Ông Nguyễn Hoài Phương - Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao quận Tây Hồ cho biết, lần nào họp hành cũng cho mời Điện lực Tây Hồ nhưng không bao giờ thấy đơn vị này cử người đến họp, chứ chưa nói đến việc họ phối kết hợp để bóc gỡ những biển quảng cáo trái phép.

Cũng đã nhiều lần, Đoàn Thanh niên các quận, huyện ra quân bóc xóa, nhưng cứ nhìn vào thực tế mà nói, xóa được số điện thoại khoan cắt bê tông, thông cống, hay gia sư tại nhà thì để lại một vệt sơn khác với màu tường. Thành ra, lem nhem này thay thế lem nhem kia. Đây cũng là một việc làm khó, bởi lấy đâu ra đủ các màu sơn để tường màu nào thì xóa sơn màu đấy. 

2 năm trước, chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội, ý tưởng đặt biển quảng cáo rao vặt miễn phí được cho là sáng kiến, và được ví như chìa khóa để dẹp nạn bôi bẩn thành phố. Nhưng sau 2 năm hoạt động, những biển quảng cáo (đúng phép) này bắt đầu bộc lộ những điểm yếu. Biển đặt nơi thưa vắng người qua lại thì “ế”. Biển đắc địa, đông người đến dán thì lem nhem bẩn thỉu. Cũng lại thêm những mảng màu lem nhem cho thành phố.

Trăm kiểu “lách” 

Hiện tại, mức phạt duy nhất dành cho những chủ thuê bao vi phạm quảng cáo rao vặt trái phép là cắt thuê bao điện thoại. Quy trình này được thực hiện là quận, huyện báo số vi phạm lên Sở TT-TT, tại đây sẽ tiến hành xác định bằng biện pháp nghiệp vụ, sau đó gửi danh sách lên nhà mạng và yêu cầu cắt. Theo ông Nguyễn Trọng Hải - Phó Trưởng phòng VH-TT quận Đống Đa cho biết, ban đầu, biện pháp này có tác dụng, các thuê bao di động hay cố định còn e dè. Nhưng cho đến thời điểm này, nhiều thuê bao đã biết cách lách luật. Sau khi bị cắt khoảng 3 - 4 tuần mang giấy tờ đến trung tâm dịch vụ khách hàng trình bày hoàn cảnh rằng do “em đóng tiền chậm, nên bị cắt ”, đã có nhiều thuê bao phục hồi số bằng cách này.

Khi cao trào xóa quảng cáo trái phép lên cao, người ta đã đưa ra nhiều biện pháp răn đe và cả khen thưởng. Răn đe bằng cách bắt được giao công an xử lý, phạt hành chính, cho đi lao động công ích. Khen thưởng bằng hình thức “thưởng nóng” người có công phát hiện bắt quả tang người vi phạm. Hầu hết các quận, huyện đều đã có thực hiện việc “thưởng nóng” cho một số cá nhân tập thể. Nhưng giờ, chuyện thưởng hầu như không còn được áp dụng. 

Ông Nguyễn Trọng Hải cho biết, quận Đống Đa từng bắt được đối tượng vi phạm, cho đi lao động công ích, xóa quảng cáo. Nhưng khi đối tượng thực hiện việc lao động công ích, đồng nghĩa với việc phải có người đi kèm, giám sát. Theo lời ông Hải là “phát điên lên” khi phải giám sát người vi phạm. Họ làm theo kiểu trêu ngươi, đủng đà đủng đỉnh, khiến cán bộ văn hóa đi theo không chịu được đành cho người vi phạm về và “thà tự làm lấy còn hơn”. Quận Tây Hồ cũng bó tay khi bắt được người vi phạm. Một cán bộ văn hóa quận này kể, mấy tuần trước bắt quả tang toàn là trẻ con đi dán quảng cáo. Đám này hầu hết dưới 14 tuổi. Bắt được, gặng hỏi thì chúng khóc ầm lên. Trong người không có một đồng nào. Ngồi ở ủy ban quận một lúc lại khóc, cán bộ văn hóa gặng hỏi, mãi mới lí nhí:“Cháu đói”. Thế là phải đi mua bánh mỳ, nước cho ăn, cho uống rồi cho về.

Hiện mỗi quận, huyện đang thực hiện theo một cách. Như quận Hoàng Mai, mỗi tháng cấp cho một phường 2 triệu đồng, để duy trì việc bóc gỡ được thường xuyên hơn. Còn quận Cầu Giấy thì thuê một tổ công nhân môi trường, trả lương hàng tháng chỉ để làm một việc là đi khắp nơi bóc, xóa quảng cáo. Bà Nguyễn Hoài Linh - Trưởng phòng VH-TT Cầu Giấy cho biết, cứ dán lại bóc. Theo bà Linh, đây là biện pháp cho kết quả khả quan.

Năm 1999, khi kỷ niệm 999 năm Thăng Long, Hà Nội ra quân xóa quảng cáo rao vặt. Cho đến nay, sau tròn 13 năm, Hà Nội vẫn tiếp tục đau đầu vì bộ mặt đô thị bị bôi bẩn. Xóa hôm trước thì hôm sau lại dán, dán đúng chỗ cũ. Thiết nghĩ, việc xóa quảng cáo, thậm chí răn đe người vi phạm bằng cách cắt điện thoại cũng chỉ là giải pháp phần ngọn. Chỉ khi nào gốc rễ của vấn đề được giải quyết ổn thỏa - tức là tìm được một hình thức hợp lý hơn dành cho quảng cáo rao vặt thì khi đó nạn này mới thuyên giảm.