Quảng cáo qua điện thoại: Sớm nở tối tàn

ANTĐ - Đã qua thời điểm “bùng nổ” quảng cáo qua điện thoại di động, nhưng phương thức quảng cáo này ở Việt Nam vẫn chưa thu được hiệu quả như kỳ vọng bởi nhiều lý do.

Quảng cáo qua điện thoại cần bài bản hơn để mang lại hiệu quả

Tiềm năng quảng cáo lớn

So với quảng cáo trên báo chí, truyền hình, quảng cáo qua điện thoại di động tiện dụng và tiết kiệm chi phí hơn nhiều lần. Ví như, để có được 10 giây quảng cáo trên truyền hình, doanh nghiệp phải bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy thời điểm phát sóng và kênh truyền hình. Nhưng với quảng cáo qua điện thoại, doanh nghiệp chỉ phải bỏ vài trăm nghìn đồng để thông tin đến với hàng nghìn người.

Năm 2007, doanh thu quảng cáo qua điện thoại di động trên toàn cầu đạt gần 1 tỷ USD. Nhiều thông tin cho rằng, doanh thu quảng cáo trên điện thoại di động năm 2011 lên tới 20 tỷ USD, chứng tỏ, xu hướng quảng cáo trên điện thoại bùng nổ trong những năm qua và là xu hướng tất yếu khi điện thoại ngày càng “thông minh”, nhiều tiện ích.

Tại Việt Nam, trong khoảng thời gian năm 2008-2010, quảng cáo trên điện thoại di động khá nở rộ. Không chỉ có tin nhắn với nội dung tiêu cực, nhiều doanh nghiệp đã gửi thông tin giới thiệu hàng hóa, các chương trình khuyến mãi, giảm giá quần áo thời trang, đồ dùng gia đình, chăn ga gối đệm; các loại dịch vụ du lịch, cưới hỏi, tài chính... đến hàng loạt thuê bao. Phần lớn các tin nhắn này đều theo quy định của Bộ TT-TT và có ý nghĩa tích cực đối với người nhận.

Bộ TT-TT cho biết, tính đến hết năm 2011, Việt Nam có khoảng 118 triệu thuê bao di động đăng ký và đang hoạt động. Giám đốc marketing một doanh nghiệp trong ngành thời trang nhẩm tính, với mỗi đợt khuyến mãi sản phẩm, doanh nghiệp này gửi tin nhắn đến khoảng 7.000 khách hàng. Trung bình mỗi tin nhắn phải chịu phí 300 đồng, doanh nghiệp này mất hơn 2 triệu đồng tiền cước. Nhưng khi các mạng di động khuyến mãi tài khoản cho sim, thẻ điện thoại thì chi phí doanh nghiệp bỏ ra ít hơn, tiết kiệm hơn nhiều so với quảng cáo trên báo in, báo điện tử hoặc truyền hình. Không chỉ doanh nghiệp cần quảng cáo tiết kiệm chi phí, mà các doanh nghiệp viễn thông cũng gia tăng doanh thu.

Manh mún, chụp giật, hiệu quả thấp

Vấn đề lớn nhất đối với những nhà quảng cáo trên điện thoại di động là họ không biết phản ứng của người dùng đối với các mẫu quảng cáo của họ. Nói cách khác là sự tương tác giữa người gửi và người nhận tin nhắn quảng cáo thấp. Doanh nghiệp không biết được phản ứng của người nhận để thay đổi cách thức quảng cáo, giới thiệu cho phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn bởi xu hướng này sớm bị lạm dụng, biến tướng. Cụ thể là việc lợi dụng tin nhắn qua điện thoại để quảng cáo dịch vụ mê tín dị đoan, trò chơi trực tuyến không bổ ích. Việc này dẫn đến sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, quy định tin nhắn quảng cáo phải theo mẫu. “Nhiều doanh nghiệp ngại thủ tục đăng ký để quảng cáo như vậy” - vị giám đốc marketing trên cho biết. Hơn thế, những quảng cáo biến tướng “ra đời sớm” đã tạo tâm lý e ngại của người tiếp nhận, cứ thấy có tin nhắn quảng cáo là người nhận muốn xóa bỏ, không đọc, không quan tâm.

Muốn quảng cáo qua điện thoại di động phát triển, hoạt động này cần có sự quản lý, định hướng của Nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch quảng bá sản phẩm, dịch vụ nghiêm túc và dài hơi để khai thác lợi thế này.

Khách hàng cần được tôn trọng

Lâu nay, chuyện khách hàng bức xúc về những dịch vụ của các hãng viễn thông không còn là chuyện hiếm gặp. Tuy nhiên, hiện tình trạng thiếu tôn trọng khách hàng hoặc sự chậm trễ của nhà mạng trong khi xảy ra sự cố khiến không ít người bức xúc. Cách đây vài ngày, đường truyền internet nhà tôi bỗng dưng không hoạt động. Gọi điện đến đường dây chăm sóc khách hàng của Viettel thì tôi nhận được thông báo do chưa đóng phí nên đường truyền tạm thời bị khóa. Ngay sáng hôm sau tôi đã đến phòng giao dịch của Viettel ở gần nhà để nộp tiền nhưng cả ngày hôm đó tôi vẫn không thể truy cập internet.

Sự việc không quá phức tạp, nhưng việc nhà mạng tự ý cắt dịch vụ mà không báo trước cho khách hàng chỉ vì lý do nhân viên thu cước không gặp được khách hàng khi đến thu cước là điều không thể chấp nhận được. Bởi, trong trường hợp nhân viên thu phí không gặp được khách hàng, họ phải có trách nhiệm thông báo đến bộ phận tổng đài, từ đó nhân viên Viettel có thể gọi điện đến số điện thoại của khách hàng để thông báo về việc nộp phí. Nếu khách hàng đã nhận được thông báo mà không nộp phí theo đúng thời hạn thì nhà mạng mới có thể tạm ngừng cung cấp dịch vụ. Mong rằng các nhà mạng chú ý đến khách hàng và cách thông báo sao cho rõ ràng hơn để tránh xảy ra tình trạng trên.

Nguyễn Như Thắng (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên)