Quảng cáo nước mắm lập lờ

ANTĐ - Nước mắm là loại gia vị được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày ở nước ta. Thế nhưng đa phần người tiêu dùng đang rất thiếu thông tin về sản phẩm này, không phân biệt được giữa nước mắm thật và nước mắm pha chế công nghiệp.
 

Nội dung quảng cáo phải dựa trên cơ sở khoa học để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng (Ảnh minh họa)

Lừa người tiêu dùng

Theo một thống kê mới đây, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng hơn 200 triệu lít nước mắm, 98% số hộ gia đình Việt Nam sử dụng nước mắm trong các bữa ăn. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ có đến chưa đầy một nửa được sử dụng nước mắm thật, nghĩa là nước mắm được sản xuất theo đúng quy trình của khái niệm nước mắm trên thế giới, còn lại hầu hết đang sử dụng những loại nước mắm được pha chế công nghiệp, thực chất chỉ là nước chấm mang hương vị mắm. Trong khi đó, các hãng sản xuất nước mắm liên tục tung ra những chiêu bài quảng cáo nước mắm rất hấp dẫn nhưng cũng rất chung chung, thậm chí sai sự thật… đánh lừa người tiêu dùng.  

TS. Nguyễn Tử Cương - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cho biết, theo đúng khái niệm thì chỉ các loại nước mắm được làm bằng phương pháp thủy phân từ cá (cho muối, phơi nắng, để không khí tiếp xúc), sử dụng men enzim Pro có sẵn trong ruột cá để ức chế vi khuẩn, biến đổi đạm thành đạm dễ tiêu (đạm amin) mới được gọi là nước mắm. Còn các loại nước chấm có hương vị cá nhưng không sản xuất theo quy trình trên thì không thể gọi là nước mắm. Ngay cả các sản phẩm lên men con cá, thủy phân bằng nhiều phương pháp rồi chế hương liệu, trộn dung dịch đạm vào... để thành các loại nước chấm thì cũng chỉ được gọi là nước chấm chứ không phải là nước mắm. Vậy nhưng hầu hết các sản phẩm nước mắm công nghiệp được sản xuất theo phương pháp này vẫn quảng cáo rầm rộ là nước mắm, thậm chí là nước mắm nguyên chất… đó là mạo nhận.

Chẳng hạn, trên nhãn mác các loại mắm sản xuất công nghiệp chúng ta thường thấy những con số rất hấp dẫn như: nước mắm nguyên chất độ đạm 90%, độ đạm 60%... Ông Cương phân tích, để sản xuất ra nước mắm người ta phải căn cứ vào hàm lượng đạm có trong kilôgam thịt cá. Hiện nay 1kg cá sản xuất ra 1 lít nước mắm thường có khoảng 25 - 28 độ đạm. Chẳng hạn như ở Phú Quốc, nước mắm được chế biến theo quy trình: chọn cá cơm, đổ muối cho cá chết mặn sau đó đưa vào thùng chứa lớn, để trong nhà không phơi nắng để cho lên men (thủy phân) từ từ. Sau đó để từ 16-24 tháng thì mới ra được sản phẩm nước mắm chứa 35% độ đạm… Còn nước mắm cao đạm, độ đạm lên đến 60, 90% thực chất là nước mắm công nghiệp được pha độ đạm vào và đó là đạm tổng số chứ không phải đạm amin. Chưa kể một số doanh nghiệp còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cho phân đạm hoặc cho mì chính vào nước mắm công nghiệp nhằm tăng độ đạm...

Thiếu quy định, doanh nghiệp “lách”

Không chỉ quảng cáo quá sự thật mà nhiều hãng nước mắm còn đưa ra những quảng cáo rất phản khoa học, thậm chí thóa mạ nước mắm cổ truyền. Chẳng hạn như chương trình quảng cáo của một hãng nước mắm lớn ở nước ta được phát đều đặn trên Đài Truyền hình Việt Nam thời gian gần đây có nội dung: người con nhìn bát nước mắm ngon muốn chấm, người mẹ ngăn lại vì “trong nước mắm vẫn còn vi khuẩn”, người con bảo nước mắm đã đun sôi rồi thì người mẹ trả lời tiếp “ngay cả nước mắm đã đun sôi vẫn chưa hết sạch vi khuẩn”.

Qua phần đối thoại đó, hãng nước mắm nói trên muốn chỉ trích các loại nước mắm khác có chứa vi khuẩn, từ đó quảng cáo loại nước mắm của mình đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì quảng cáo này đã nói sai về bản chất của nước mắm, vì trong nước mắm có thể  tồn tại một số vi khuẩn nhất định nhưng do môi trường mặn, kiềm nên lượng vi khuẩn này chỉ tồn tại trong một giới hạn không gây bệnh. Đặc biệt, khi nước mắm đã nấu sôi thì không thể có vi khuẩn gây bệnh được nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, đến nay ở nước ta vẫn ghi chung chung tên sản phẩm là nước mắm chứ không phân biệt nước mắm nguyên chất và nước mắm pha chế. Ở nhiều nước, cơ quan chức năng quy định rõ, bắt buộc nhà sản xuất ghi rõ nước mắm nguyên chất, nước mắm pha chế, để người tiêu dùng phân biệt, lựa chọn. Việt Nam chưa quy định rõ điều này nên nhiều đơn vị mua nước mắm có nồng độ đạm cao rồi pha chế, thêm chất phụ gia, hương liệu... ra sản phẩm, rồi gọi chung là nước mắm.

Theo quan điểm của ông Cương, những loại nước mắm sản xuất như vậy là… nước mắm giả. Điều khó nhất là ngay cả cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về ATTP ở nước ta cũng chưa hiểu đúng nên chưa đưa ra được những quy định chặt chẽ, cũng như cấp phép cho quảng cáo nước mắm với những nội dung, khuyến cáo rất thiếu cơ sở khoa học.

Được biết, tại Hội nghị Đại hội đồng Codex (CAC) lần thứ 34 diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) đầu tháng 7 này, Tiêu chuẩn Codex về nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đồng chủ trì biên soạn đã được nhất trí thông qua. Hy vọng, việc hoàn thành Tiêu chuẩn Codex về sản phẩm này sẽ giúp quản lý tốt hơn các sản phẩm nước mắm, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.