Vì sao vũ khí hạt nhân Triều Tiên không quá đáng sợ?

ANTD.VN - Mỹ và Hàn quốc vừa chính thức khởi động cuộc tập trận quân sự quy mô lớn vào hôm 22-8 nhằm đề phòng khả năng bị tấn công hạt nhân phủ đầu từ Triều Tiên. Bình Nhưỡng có truyền thống thích dọa tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc tuy nhiên chuyên gia về vấn đề Triều Tiên, ông Vladimir Khrustalev cho rằng, mối đe dọa về vũ khí hạt nhân từ Bình Nhưỡng là không lớn. 

“Đầu tiên, Triều Tiên không thể tấn công hạt nhân đồng loạt vào tất cả kẻ thù của mình do họ không có đủ nguyên liệu để sản xuất nhiều bom hạt nhân như vậy. Bình Nhưỡng có 2 nguồn sản xuất nguyên liệu dành cho chế tạo vũ khí là lò phản ứng công suất 35 megawatt ở trung tâm hạt nhân Yongbyon và một nhà máy tinh chế với khoảng 4000 máy li tâm. Tuy nhiên, cả 2 cơ sở này chỉ ra lò được một ít nguyên liệu hạt nhân so sánh với Nga, Trung Quốc hay Mỹ”, ông Khrustalev cho hay.

Triều Tiên chưa có nhiều nguyên liệu để sản xuất đầu đạn hạt nhân

Ông Khrustalev cho rằng, lượng plutonium này thậm chí không bằng với khối lượng mà 2 nước láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc đang tạo ra. Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân vào hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã cân nhắc việc biến đổi lượng plutonium ở các nhà máy năng lượng hạt nhân của nước này thành một quả bom có thể sử dụng được. Tờ Chosun Ilbo trích dẫn lời nhận xét của một số chuyên gia rằng, Hàn Quốc sẽ chỉ mất 18 tháng để thực hiện thành công việc này.

Đối với Nhật Bản, theo tờ Bulletin of Atomic Scientists, Nhật Bản hiện còn có tới 11 tấn plutonium đang đặt trong lãnh thổ và 37 tấn ở nước ngoài. Khối lượng này đủ làm tới 2000 đầu đạn hạt nhân.

Với việc xây dựng nhà máy xử lí hạt nhân ở Rokkasho, Nhật Bản sẽ có khả năng tạo ra lượng plutonium đủ để chế tạo ra tới 1.500 đầu đạn hạt nhân/năm, tương đương số lượng mà Mỹ và Nga đang có.

Triều Tiên đang sở hữu phương tiện triển khai hạt nhân đủ sức vươn tới cả Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng ông Khrustalev nhấn mạnh rằng, nước này không dại gì mà tấn công trước vào đồng minh của Mỹ do điều này sẽ châm ngòi cho một đòn tấn công hạt nhân đáp trả từ phía Washington. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng lại càng không thể tấn công vươn tới lãnh thổ của Mỹ, chính vì vậy, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chỉ đóng vai trò như một phương tiện răn đe bằng “mồm”.