Vì sao Nga quyết không chịu cắt giảm tiếp vũ khí hạt nhân?

ANTD.VN - Trong một phiên họp của Ủy ban chống phổ biến vũ khí của Liên Hợp Quốc diễn ra vào hôm 4-4, đại diện của Nga, ông Petr Ilyichev đã đưa ra các điều kiện để nước này tiếp tục cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình.

Ông Petr Ilyichev khẳng định Nga cố gắng thực hiện đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) với Mỹ, tuy nhiên, khả năng nước này tiếp tục thực hiện thêm các biện pháp cắt giảm khác là điều không thể khi chưa có những công việc chuẩn bị kĩ lưỡng và dưới tình hình môi trường an ninh hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình, ông Ilyichev đã nhắc đến các yếu tố cụ thể khiến Nga từ chối cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Mạng lưới phòng không toàn cầu

Theo hiệp ước New START được Moscow và Washington kí vào năm 2010, cả 2 nước đồng ý hạn chế số đầu đạn hạt nhân ở mức 1550 đơn vị và thỏa thuận này sẽ kéo dài đến năm 2021.

Vì sao Nga quyết không chịu cắt giảm tiếp vũ khí hạt nhân? ảnh 1Nga phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ muốn thiết lập

Ở thời điểm đó, thỏa thuận này phản ánh đúng tình hình thực tế. Nga và Mỹ vẫn có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và sự cân bằng hạt nhân giữa 2 nước đảm bảo nguyên tắc "cùng bị hủy diệt" nếu chiến tranh nổ ra.

Tuy nhiên, ông Ilyichev đã cáo buộc Mỹ đang cố gắng thay đổi cán cân sức mạnh bằng việc triển khai mạng lưới phòng thủ tên lửa toàn cầu, điều sẽ hạn chế đáng kể khả năng tấn công hạt nhân của Nga.

“Mỹ đang tiếp tục nâng cấp khả năng phòng thủ tên lửa của mình. Đến năm 2018 – 2020, Mỹ sẽ có các hệ thống đủ khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa với độ chính xác cao. Họ đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này. Ví dụ như tên lửa đánh chặn SM-3 gần đây đã hạ được cả một vệ tinh bên ngoài quỹ đạo trái đất bằng đầu đạn động năng. Mỹ đang cho thấy sự kiên quyết trong việc tạo ra mạng lưới phòng không đa lớp ở nhiều phần trên thế giới”, chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko nhận định về vấn đề này.

Khả năng tấn công phi hạt nhân

Theo ông Ilyichev, một yếu tố khác làm giảm giá trị của New START và các thỏa thuận hạt nhân khác đó là Lầu Năm Góc đang chế tạo nhiều vũ khí có sức công phá gần như vũ khí hạt nhân, trong đó chương trình tấn công toàn cầu chớp nhoáng (PGS) là một ví dụ điển hình.

Vì sao Nga quyết không chịu cắt giảm tiếp vũ khí hạt nhân? ảnh 2Mỹ dựa vào khả năng tấn công chính xác bằng vũ khí phi hạt nhân để giành lợi thế trước Nga

PGS được xây dựng với mục tiêu triển khai các vũ khí phi hạt nhân một cách chính xác nhằm tấn công mọi khu vực trên trái đất trong thời gian ngắn. Ý tưởng của Mỹ là phá hủy đi các cơ sở quan trọng của đối phương một cách bất ngờ như sân bay chiến lược, hầm phóng tên lửa, căn cứ tàu ngầm hay các trung tâm chỉ huy quan trọng. 

Theo chuyên gia Korotchenko, vũ khí hạt nhân chỉ là một vũ khí chiến lược quan trọng của Mỹ. Nước này thuyết phục Moscow cắt giảm vũ khí hạt nhân, trong khi đó dựa vào lá chắn tên lửa toàn cầu và PGS để đạt được đạt được lợi thế trước quân đội Nga.

Vũ khí thông thường ở châu Âu

Ông Ilyichev đã bày tỏ sự không hài lòng của Nga với cơ chế kiểm soát các loại vũ khí thông thường ở châu Âu. Ông cho rằng, Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) được thống nhất vào năm 1990 giờ đã quá lỗi thời với tình hình hiện nay, nhất là khi Liên-xô tan rã và nhiều thành viên của khối Hiệp ước Warsaw cũ thậm chí đã gia nhập NATO.

Vì sao Nga quyết không chịu cắt giảm tiếp vũ khí hạt nhân? ảnh 3Nga cần vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh khu vực phía tây đất nước

Nga cho rằng, tại khu vực Đông Âu và miền Tây nước Nga, lực lượng của NATO vẫn đang áp đảo hơn so với quân đội Nga, do đó, vũ khí hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự duy trì ổn định và răn đe các hành động nguy hiểm.