Vì sao Mỹ không có hệ thống tên lửa bờ và phòng không lục quân mạnh như Nga?

ANTD.VN - Trong cơ cấu vũ khí phòng thủ của Quân đội Mỹ, dễ nhận thấy họ không chú trọng đầu tư cho những tổ hợp tên lửa bờ hay phòng không lục quân.

Đây là điều hoàn toàn trái ngược với Nga, Trung Quốc hay một vài cường quốc quân sự khác trên thế giới.

Trong khi hai quốc gia trên biên chế “hằng hà sa số” các tổ hợp vũ khí phòng thủ từ Club-M, Bastion-P, YJ-62… cho tới Tunguska, Buk-M2, S-300V… bao phủ đủ tầm đủ hướng với uy lực rất mạnh, đủ để không một binh đoàn đổ bộ nào tiếp cận được bờ biển của họ, hay “che đầu” an toàn cho các sư đoàn cơ giới lúc hành quân cũng như tác chiến thì Mỹ hầu như bỏ qua toàn bộ. Cũng chính vì thế, trong danh sách 10 hệ thống phòng thủ bờ biển đáng sợ nhất hành tinh, hoàn toàn không có hệ thống nào của Mỹ.

Điều này chắc chắn đã gây ra không ít thắc mắc, nhưng nếu bình tĩnh suy sét lại thì chẳng có gì là quá khó hiểu.

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Tunguska-M1 của Phòng không Lục quân Nga

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Tunguska-M1 của Phòng không Lục quân Nga

Học thuyết quân sự của Mỹ thiên hoàn toàn về tấn công chứ không phải là phòng thủ. Mỹ từ trước tới nay vẫn là một quân đội viễn chinh, chỉ mang chiến tranh tới các vùng đất ngoài lãnh thổ và không để đối phương có cơ hội làm điều ngược lại với mình. Điều này càng được khẳng định rõ nét hơn với chiến lược “đánh đòn phủ đầu” dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Thực tế cũng cho thấy tấn công là biện pháp phòng thủ tốt nhất, những binh đoàn đổ bộ của đối phương muốn tràn ngập một vùng bờ biển nào đó của Mỹ sẽ phải vượt qua lực lượng hải quân cực mạnh chặn đánh từ rất xa.

Các biên đội tàu sân bay hùng hậu mang theo gần 100 phi cơ được hộ tống bởi những khu trục hạm và tuần dương hạm Aegis thuộc lớp Arleigh Burke và Ticonderoga tên lửa tầm xa đầy hầm phóng, bên dưới lại là những tàu ngầm hạt nhân tấn công yên lặng nhất thế giới, trang bị vũ khí cực kỳ uy lực đủ đảm bảo cho không một hạm đội nào có thể sống sót.

Tương tự như vậy, trên chiến trường mặt đất, chiến thuật của Quân đội Mỹ từ xưa tới nay vẫn cực kỳ đơn điệu nhưng chưa ai khắc chế nổi, đó là không quân của họ sẽ giải quyết tới 85 - 90% sức mạnh của đối phương, sau đó bộ binh mới tràn lên làm nốt công việc cuối cùng là dọn dẹp trận địa.

Khi đã làm chủ bầu trời ở tầng cao và trung bình, tầng thấp lại có trực thăng vũ trang yểm trợ, dĩ nhiên lực lượng tăng thiết giáp của Mỹ chẳng cần biên chế thêm các xe phòng không tự hành đi kèm đội hình tiến quân.

Chế tạo các hệ thống tên lửa bờ hay phòng không lục quân mạnh là không cần thiết đối với người Mỹ

Chế tạo các hệ thống tên lửa bờ hay phòng không lục quân mạnh là không cần thiết đối với người Mỹ

Với những đặc điểm kể trên và với đặc tính thực dụng của người Mỹ, không khó hiểu vì sao họ gần như bỏ qua toàn bộ hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển hay phòng không lục quân, do những vũ khí này cũng tương đối tốn kém lại gần như hoàn toàn vô tác dụng trong học thuyết và chiến thuật triển khai lực lượng.

Mặc dù có thử nghiệm phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa Harpoon hay chế tạo phiên bản phòng không lục quân trên khung gầm M113 mang pháo Gatling cỡ 20 mm… nhưng chúng chủ yếu phục vụ mục đích chào hàng cho các đồng minh, hoặc dùng để yểm trợ hỏa lực mặt đất bằng cách hạ nòng bắn thẳng (M163 VADS hay M42 Duster) chứ không giữ nguyên vai trò theo thiết kế như sản phẩm của Nga, Trung Quốc.