Trung Quốc phản đối Nhật, tăng tàu chiến ra biển Hoa Đông

ANTĐ - Ngày 8-8, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã chính thức biên chế chiếc tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Type 056 mới nhất mang tên “Tuyền Châu” cho Hạm đội Đông Hải.

Vào sáng 8-8, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức nghi lễ biên chế chiếc tàu Type 056 mới nhất mang số hiệu 588 “Tuyền Châu” cho Hạm đội Đông Hải, tại quân cảng của hạm đội này, nhằm tăng cường thêm sức mạnh cho lực lượng hải quân bảo vệ khu vực biển Hoa Đông.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 “Tuyền Châu” 588 do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo. Type tàu này có chiều dài 88,9m, chiều rộng 11.14m, mớn nước 4,3m,  lượng giãn nước 1.300 tấn (đầy tải), sử dụng động cơ đẩy diesel CODAD công suất 12.200KW, tốc độ tối đa 25-30HL, thủy thủ đoàn 60 người.  

Về vũ khí trang bị trên tàu, bao gồm 1 bệ pháo phòng không tầm thấp FL-3000 với 8 quả tên lửa, 1 bệ pháo tàng hình 76mm nòng đơn kiểu PJ26, 2 pháo hạm điều khiển xa 30mm, 2 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 (8 quả), 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi hạng nhẹ.

Sau khi được đưa vào sử dụng, tàu hộ vệ tên lửa “Tuyền Châu” 588 sẽ thực hiện các nhiệm vụ tuần tra cảnh giới, tuần tra hộ ngư, độc lập hoặc hiệp đồng với các lực lượng khác trong tấn công tàu nổi của địch, chống ngầm trên vùng biển Hoa Đông - nơi mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản.

Việc biên chế thêm tàu chiến lần này cho Hạm đội Đông Hải diễn ra giữa lúc căng thẳng đang ngày càng leo thang, do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Mới đây, vào ngày 1-8, Tokyo tiếp tục tuyên bố đặt tên cho 158 đảo không người ở tại vùng biển này, khiến Bắc Kinh rất tức giận và phản đối quyết liệt. Ngay sau đó, Trung Quốc đã điều 3 tàu Hải cảnh mang số hiệu 2101, 2112, 2151 xâm nhập Senkaku/ Điếu Ngư tuần tra, tuyên truyền phản đối.

Các động thái liên tiếp hạ thủy và biên chế tàu chiến cho các hạm đội trên biển của Trung Quốc trong thời gian qua khiến cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng hết sức quan ngại, nó thể hiện rõ ràng ý đồ độc chiếm các vùng biển tiếp giáp lãnh thổ của Bắc Kinh. Điều này chắc sẽ làm cho tình hình tại khu vực biển Đông Hải ngày càng gia tăng căng thẳng.