Trung Quốc “kinh sợ” các hợp đồng mua vũ khí của Ấn Độ

ANTĐ - Thời gian qua, tuy không lên tiếng nhưng Trung Quốc vẫn âm thầm theo dõi sát sao các động thái mua sắm vũ khí của các đối thủ. Trong đó, Trung Quốc cực kỳ “kinh sợ” các hợp đồng vũ khí khủng mà Ấn Độ ký với Nga, Mỹ và Pháp.

Ngày 08/01 vừa qua, trong 1 bài viết trên trang mạng “Quan điểm”, chuyên gia quân sự của Học viện Quốc phòng Trung Quốc Lý Đại Quang cho biết, Ấn Độ đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới năm 2012. Trong bài viết của mình, ông Lý Đại Quang đã trích dẫn một số tư liệu của Trung tâm phân tích thương mại quân sự thế giới (SAMTO) có trụ sở tại Nga để làm minh chứng.

Cùng với đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế, Ấn Độ đã đẩy mạnh chiến lược hiện đại hóa quân đội. Theo báo cáo tổng kết 20 hợp đồng mua vũ khí lớn nhất thế giới năm 2012 mà SAMTO công bố ngày 26/12/2012, Ấn Độ có tới 6 hợp đồng lọt vào Top 20, đồng thời cũng chiếm vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng này. SAMTO còn dự báo, trong vòng 5 năm tới, Ấn Độ vẫn sẽ mạnh tay đầu tư cho quốc phòng, dự kiến riêng ngân sách mua sắm vũ khí đã lên tới con số 100 tỷ USD.

Ấn Độ đã chi 11 tỷ USD mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp

Ngay từ đầu năm 2012, Ấn Độ đã ký kết các hợp đồng mua vũ khí rất lớn với các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ, Pháp và Israel. Để thay thế các trang bị lão hóa mua từ thời Liên Xô cũ, Ấn Độ đã bỏ ra hàng chục tỷ USD để mua sắm các trang bị tiên tiến trong giai đoạn 2011 - 2020. Trong năm tài khóa 2012 đã xuất hiện một hợp đồng cực lớn mua 1000 chiếc trực thăng tấn công, vận tải, chống ngầm cùng với 126 chiếc máy bay chiến đấu đa năng hạng trung, đồng thời hợp đồng thuê tàu ngầm hạt nhân của Nga cũng được ký kết.

Vào ngày 31/01/2012, trong hạng mục mời thầu quốc tế gói mua sắm 126 máy bay chiến đấu đa năng hạng trung, Ấn Độ đã loại bỏ “Typhoon” của Anh để lựa chọn loại máy bay “Rafale” của Pháp. Bản hợp đồng trị giá 11 tỷ USD này không chỉ là bản hợp đồng thương mại vũ khí lớn nhất của Ấn Độ mà còn đứng đầu trong số các thương vụ giao dịch quốc phòng thế giới.

Điều khoản hợp đồng quy định, công ty Dassault Aviation của Pháp sẽ chế tạo cho không quân Ấn 18 chiếc máy bay tiêm kích Rafale, sau đó chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị, linh kiện và giúp đỡ Hindustan Ltd chế tạo tiếp 108 chiếc còn lại, như vậy khoảng 50% giá trị hợp đồng đã được tái đầu tư cho công nghiệp hàng không Ấn Độ.

Mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK-FA Sukhoi T-50
chính là hợp đồng quan trọng nhất của không quân Ấn Độ

Bạn hàng vũ khí truyền thống của Ấn Độ là Nga cũng không bị New Dehli “phớt lờ”. Ngày 17/02/2012, không quân Ấn Độ đã tiếp nhận loạt máy bay đầu tiên trong hợp đồng mua máy bay trực thăng đa dụng Mi-17B-5 và đồng ý bắt tay với công ty chế tạo máy bay Sukhoi của Nga nghiên cứu chế tạo loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50 trong kế hoạch phát triển “hệ thống không quân tiền tuyến tương lai” (PAK FA).

Tiếp theo, đến ngày 20/8/2012, Ấn Độ lại ký với Nga một hợp đồng mua máy bay lớn nhất trong lịch sử với trị giá 35 tỷ USD trong thời hạn 20 năm để mua loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này. Dự kiến, Ấn Độ sẽ nhận nguyên mẫu đầu tiên của T-50 vào năm 2014.

Ấn Độ cũng không quên phần của Mỹ, tuy thất bại trong gói thầu máy bay chiến đấu đa năng hạng trung nhưng Washinton vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược mua sắm vũ khí của New Dehli, đặc biệt là công ty chế tạo máy bay khổng lồ Boeing. Khi hợp đồng chế tạo máy bay tuần tiễu trên biển P-8I “Poseidon” đang được triển khai, cho Ấn Độ đã đặt mua tiếp của hãng Boeing 22 chiếc trực thăng tấn công AH-64D Apache “Longbow” và 15 chiếc máy bay vận tải hạng nặng CH-47F “Chinook”. AH-64D và CH-47F đã lần lượt đánh bại 2 loại trực thăng nổi tiếng của Nga là Mi-28N (NATO gọi là Havoc) và Mi-26 “Halo”. Ngoài ra, vào tháng 5/2012, không quân Ấn Độ còn ký hợp đồng với Công ty hàng không Pilatus (Pilatus Aircraft Company) của Thụy Sĩ mua 75 chiếc máy bay huấn luyện sơ cấp PC-7 Mk.2 với tổng trị giá hợp đồng 500 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 523 triệu USD).

Máy bay CH-47 cẩu chính một chiếc CH-47 ở chiến trường Việt Nam trước đây

Lý Đại Quang nhận xét, để hiện đại hóa quân đội 1 cách “thần tốc”, Ấn Độ đã chọn phương pháp “đi tắt, đón đầu”, bỏ ra hàng chục tỷ USD mua vũ khí của hầu như tất cả các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến nhất trên thế giới, ngân sách quốc phòng mà Ấn Độ bỏ ra thật là kinh khủng. Điều này vừa giúp quân đội Ấn Độ có được những vũ khí hiện đại nhất vừa giúp New Dehli thiết lập được quan hệ hợp tác quốc phòng hữu hảo với hầu hết các cường quốc trên thế giới, ngõ hầu tìm kiếm sự ủng hộ trong vấn đề tranh chấp biên giới trên bộ với Trung Quốc. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ trở thành địch thủ đáng gờm nhất của Trung Quốc.