Trung Quốc có lo sợ khi Mỹ giúp Ấn Độ chế tạo tàu sân bay?

ANTĐ - Mỹ đang xem xét việc sử dụng công nghệ của mình để giúp Ấn Độ chế tạo tàu sân bay quốc nội, nhằm tăng cường năng lực hải quân, trở thành đối trọng đáng gờm của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm tới Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đầu tháng 1-2015, hai bên đã ký kết hiệp ước hợp tác về lĩnh vực chế tạo tàu sân bay. Theo đó, Mỹ và Ấn Độ sẽ thành lập một nhóm công tác chung nhằm chia sẻ công nghệ và thiết kế hàng không mẫu hạm.

Vừa qua, Nhà Trắng đã ban hành một tuyên bố, đề nghị thành lập nhóm công tác để tìm kiếm và chia sẻ công nghệ chế tạo tàu sân bay với Ấn Độ, tuy nhiên chi tiết về chương trình này chưa được tiết lộ. Hiện vẫn chưa rõ cơ quan nào của Mỹ sẽ tham gia vào nhóm công tác này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết trong một tuyên bố, mặc dù phạm vi của nhóm công tác vẫn chưa được thể hiện rõ, nhưng bất kỳ dự án hợp tác phát triển tàu sân bay nào cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các chương trình chế tạo tàu sân bay nội địa của Ấn Độ.

"Mức độ hợp tác quốc phòng giữa hai nước có thể được tăng cường bằng các hoạt động tiếp xúc quân sự song phương, bao gồm cả hợp tác hàng hải, khoa học công nghệ và thương mại", ông Hagel cho biết thêm.

Tàu sân bay quốc nội INS Vikrant đầu tiên của Ấn Độ trong lễ hạ thủy

Được biết, chiếc tàu sân bay INS Vikrant lớp 40.000 tấn đầu tiên của Ấn Độ, đang trong tình trang vượt dự toán tài chính và chậm trễ về tiến độ. Theo tính toán, chi phí chế tạo chiếc tàu này lên đến 4 tỉ USD và dự kiến tới tận cuối năm nay mới được biên chế đưa vào sử dụng.

Chính vì thế, New Delhi đã ngỏ ý muốn sử dụng công nghệ thiết kế tàu sân bay của Washington, để mở rộng khả năng hoạt động của tàu sân bay quốc nội thứ hai “INS Vishal” lớp 65.000 tấn đang được hoàn thiện.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, có khả năng Mỹ sẽ tham gia vào công tác chế tạo tàu sân bay INS Vishal. Bởi hiện tại, New Delhi muốn tàu sân bay của mình có thể phóng được máy bay lớn và nặng hơn. Trong khi đó, Mỹ đang sở hữu công nghệ hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) đủ sức đáp ứng tiêu chuẩn này.

 

Tàu sân bay Gerald R. Ford của Mỹ được trang bị công nghệ EMALS mà Ấn Độ đang mong muốn.

Nếu như INS Vishal được bàn giao theo đúng kế hoạch vào năm 2018, Hải quân Ấn Độ sẽ có một lực lượng tác chiến rất mạnh trên biển, trở thành đối trọng đáng gờm của Trung Quốc, đối phó lại sự hiện diện ngày càng gia tăng của Bắc Kinh tại khu vực Ấn Độ Dương trong thời gian vừa qua.

Sự hợp tác trên của Mỹ và Ấn Độ đã khiến Trung Quốc phần nào lo lắng, bằng chứng là Tờ Thời báo Hoàn cầu và Nhân dân Nhật báo của nước này ngày 26-1 đã đồng loạt đăng tải bài viết, trong đó có lời cảnh báo của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee.

Ngoài việc bày tỏ thiện chí của Bắc Kinh đối với New Delhi nhằm nâng quan hệ đối tác chiến lược hai nước lên một tầm cao mới, ông Tập Cận Bình còn nhắc nhở Ấn Độ không nên mắc bẫy của Mỹ để chống lại Trung Quốc, gián tiếp hỗ trợ chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Washington.