Trung Quốc bất lực trong việc “đuổi” Nga khỏi dự án phát triển máy bay chiến đấu JF-17

ANTĐ - Trung Quốc đã ít nhất 2 lần tìm cách “đuổi” Nga ra khỏi dự án hợp tác phát triển máy bay chiến đấu JF-17 Thunder với Pakistan nhưng cho đến nay vẫn “lực bất tòng tâm”.

Ngày 15-6 vừa qua, máy bay chiến đấu JF-17 Thunder - sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan, cũng đã lần đầu tiên hiện diện tại Triển lãm hàng không Paris (Paris Air Show 2015) và đã nhận được khá nhiều sự chú ý của giới chuyên gia quân sự và khách thăm triển lãm.

“Kiêu Long” là sản phẩm hợp tác giữa Tập đoàn công nghệ hàng không Trung Quốc và Liên hợp chế tạo hàng không Pakistan (Pakistan Aeronautical Complex). Phía Trung Quốc định danh là FC-1 (Fighter China-1), còn biên chế trong không quân Pakistan với tên gọi JF-17 Thunder.

Trang thông tin tổng hợp công nghiệp quốc phòng Nga vừa đưa tin, nhà thầu Trung Quốc tuyên bố tại Triển lãm hàng không Paris rằng, họ đang nỗ lực phát triển một thế hệ động cơ máy bay chiến đấu mới cho chiến đấu cơ FC-1 Kiêu Long - sản phẩm hợp tác với Pakistan với cái tên JF-17 Thunder.

Theo giới thiệu, loại động cơ của Trung Quốc hiện đang trong quá trình thử nghiệm bay, lực đẩy cao hơn so với động cơ RD-93 của Nga, hiện đang lắp đặt trên máy bay JF-17. Theo nhà sản xuất, động cơ này mang mật danh WS-17, có lực đẩy vào khoảng 8.700 kg.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được Pakistan tặng bức ảnh chụp các máy bay chiến đấu JF-17 nước này hộ tống chiếc chuyên cơ của ông

Tuy nhiên, lực đẩy 8.700 kg của WS-17 mới chỉ ngang bằng với phiên bản đời đầu của RD-33 và vẫn còn thua xa những phiên bản sau của nhà sản xuất Klimov như RD-33MK (hiện đang dùng trên Mi-29K, Mig-29KUB, Mig-35…), có lực đẩy lên tới 11.000 kg, mà độ tin cậy thì chưa ai có thể kiểm chứng.

Theo bài báo, bắt đầu từ năm 2010, Trung Quốc đã phát triển động cơ WS-13 Thái Sơn trên cơ sở của RD-33, để sử dụng trên JF-17. Tuy nhiên, loại động cơ này không được thành công, cũng giống như loại động cơ WS-10A Thái Hàng của Trung Quốc. Tuy đã có thông tin như vậy về dự án WS-17, nhưng giới chức lãnh đạo quân sự Pakistan vẫn bày tỏ sự tin tưởng về động cơ RD-93 của Nga. Hợp đồng mua sắm 500 bộ động cơ RD-93 của Klimov vào năm 2010 đã cho phép nước này có thể cung cấp ra thị trường tới 275 chiếc JF-17.

Phát biểu tại triển lãm hàng không Paris, quan chức quốc phòng nước này cho biết, nửa đầu năm 2015 họ đã ký được hợp đồng bán máy bay chiến đấu JF-17 đầu tiên, nhưng từ chối công bố nước nào đã đặt mua loại chiến đấu cơ này.

Trung Quốc chưa đủ khả năng sản xuất động cơ thay thế cho RD-93 của Nga

Hiện nay, có thông tin cho rằng, có tới 11 quốc gia đang đàm phán nghiêm túc về khả năng mua sắm JF-17, trong đó có Argentina muốn hợp tác sản xuất tại Mỹ Latin một phiên bản JF-17 được trang bị hệ thống radar mảng pha điện tử.

Như vậy, tính đến WS-17, Trung Quốc đã phát triển tổng cộng 3 loại động cơ có thể được trang bị cho JF-17, để gạt nhà sản xuất Nga ra khỏi dự án, “nội địa hóa” hoàn toàn sản phẩm hợp tác với Pakistan và lần đầu tiên quảng bá động cơ Trung Quốc ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Bắc Kinh xem ra vẫn chưa đạt được mục đích, động cơ quốc nội của họ vẫn chưa đủ độ tin cậy để thay thế được RD-93. Nước này vẫn phải mua các động cơ RD-93 có giá tới 3 triệu USD để trang bị trên chiếc máy bay chỉ có giá chưa tới 10 triệu USD.

Chỉ cần nhìn máy bay bay chiến đấu thế hệ 5 của Trung Quốc là J-31 và J-20 vẫn đang sử dụng động cơ cho máy bay thế hệ 4, đời cũ là Al-31FN và RD-93 của Nga, thì những khách hàng mua máy bay chiến đấu không thể yên tâm về chất lượng động cơ Trung Quốc.