Top 5 xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất thế giới

ANTD.VN -Thời hoàng kim của xe tăng đã qua kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh và thế giới chuyển sang chống khủng bố. Xe tăng của các cường quốc quân sự trên thế giới hiện nay đã tồn tại từ những năm 1990, thậm chí là 1980.

Hầu hết xe tăng hiện nay của phương Tây giống nhau về tính năng. Theo tạp chí National Interest, Top 5 mẫu xe tăng mạnh nhất thế giới hiện nay không phải là loại mới nhất nhưng nó đã chứng minh được thực lực bản thân khi tham gia nhiều cuộc chiến tranh.

T-90A của Nga

Là phiên bản cuối cùng của dòng xe tăng đã tồn tại từ những năm 1940, T-90 hiện đang là mẫu xe tăng hiện đại nhất của Nga. T-90 trên thực tế là một phiên bản hiện đại hóa sâu của T-72 và thậm chí còn có thể tìm được nhiều điểm chung của nó với T-54.

T-90A được cho là vô cùng nguy hiểm trong khả năng tấn công tầm xa. Mặc dù pháo chính 2A46M 125mm của nó không hiệu quả bằng pháo do phương Tây sản xuất, tuy nhiên, nó lại có thể khai hỏa tên lửa chống tăng. Đạn chống tăng 9M119M dẫn đường bằng laser cho phép T-90A xuyên qua lớp giáp đồng chất 700mm ở khoảng cách lên tới 5km, điều không phải xe tăng nào cũng có thể làm được.

M1 Abrams của Mỹ

M1 Abrams là xe tăng chiến đấu chủ lực tiêu chuẩn của lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ. Kể từ khi được giới thiệu từ cuối năm 1970, M1 đã trải qua nhiều nâng cấp khác nhau như trang bị tháp pháo 120mm do Đức thiết kế, bổ sung giáp uranium hay thiết bị điện tử liên hệ thông tin với các phương tiện khác.

M1 được coi là một loại xe tăng mẫu mực sau Chiến tranh lạnh về cả mặt hỏa lực, khả năng tự vệ hay tính cơ động. Xe tăng Mỹ còn một danh sách dài các cuộc chiến mà nó đã tham gia để chứng minh cho sức mạnh và sự hiệu quả của mình như chiến tranh vùng Vịnh 1991 hoặc chiến tranh Iraq 2003 – 2010.

Xe tăng Leopard 2 của Đức

Xe tăng Leopard 2 của Đức được coi như người anh em của M1 Abrams do cả 2 được phát triển sau thất bại của dự án phát triển chung xe tăng MBT-70 giữa Đức và Mỹ. Cả 2 mẫu xe tăng này đều giống nhau về vũ khí và khả năng hoạt động, ngoại trừ việc xe tăng Mỹ có lớp giáp uranium bảo vệ tốt hơn.

Leopard 2 đang là mẫu xe tăng phổ biến nhất tại châu Âu do không chỉ Đức mà rất nhiều nước khác từ Tây Ban Nha đến Na Uy đều đang vận hành một đội xe tăng Leopard 2 lớn. Điều này một phần cũng là do sau Chiến tranh lạnh, Đức đã bán đi 90% số xe tăng mình có với giá rẻ tuy nhiên, có sự thật không thể phủ nhận rằng, Leopard 2 là mẫu xe tăng hiệu quả ở cả hỏa lực, tốc độ và hệ thống định vị mục tiêu.

Merkava IV của Israel

Việc Israel chế tạo được Merkava IV là một bước đột phá lớn. Thời điểm Merkava được giới thiệu, Israel đã trải qua 3 cuộc chiến tranh với lực lượng xe tăng có nguồn gốc từ các nước Ả-Rập.

Merkava được thiết kế với tiêu chí đặt khả năng phòng thủ và hỏa lực lên hàng đầu. Khu vực tháp pháo và thân trước của Merkava được tạo thành nhiều mặt sắc cạnh nhằm chống lại tên lửa từ mọi hướng. Động cơ của xe tăng được đặt phía trước thân xe tạo ra một khoảng cách lớn giữa hỏa lực địch với tổ lái.

Giáp của Merkava được cho là pha trộn từ nhiều chất liệu khác nhau và được thiết kế theo kiểu mô-đun cho dễ dàng thay thế. Điều quan trọng nhất là nó trang bị hệ thống phòng thủ chủ động Trophy bao gồm hàng loạt cảm biến và vũ khí có khả năng bắn hạ lựu đạn và tên lửa chống tăng từ đối phương.

Xe tăng Challenger 2 của Anh

Challenger 2 là mẫu xe tăng hiện đại nhất đang được sử dụng trong lục quân Anh. Mặc dù được dựa theo Challenger 1, Challenger 2 chỉ sử dụng 5% các thiết bị giống với phiên bản cũ.

Challenger 2 được cho là mẫu xe tăng có khả năng tự vệ tốt nhất thế giới với lớp giáp Chobham Armor thế hệ mới, vốn là sự pha trộn giữa chất liệu sứ và kim loại nên mang lại sự hiệu quả lớn hơn nhiều so với giáp đồng chất. Điều này khiến Challenger 2 chống chịu được cả các tên lửa chống tăng nổ mạnh cũng như vũ khí khí động học. Anh hiện đang có kế hoạch nâng cấp Challenger 2 với hệ thống tự vệ chủ động giới với loại Trophy của Israel.