Tiêm kích Trung Quốc giá trung bình chỉ bằng 1/5 tiêm kích Mỹ

ANTĐ - Trang mạng Aereo của Brazil ngày 15-10 đã cung cấp một bản báo cáo về Top 3 nước xuất khẩu máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới. Trong đó, Trung Quốc xếp thứ 3, sau Nga và Mỹ về cả số lượng lẫn giá cả máy bay.

Theo trang mạng này, Top 3 nước xuất khẩu máy bay chiến đấu (bao gồm cả tiêm kích đánh chặn, tiêm kích đa năng, tiêm kích bom và cường kích) hàng đầu thế giới hiện nay là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2009-2012, 3 nước này đã bán được tổng cộng 900 chiếc máy bay chiến đấu với tổng kim ngạch xuất khẩu 52,4 tỷ USD.

Trong 3 năm qua, Nga đã bán được số lượng máy bay rất lớn, vượt qua cả Mỹ. Với việc xuất khẩu được 384 chiếc máy bay chiến đấu, chủ yếu thuộc "gia tộc" Sukhoi, Nga đã thu về 17,1 tỷ USD với giá bình quân 44,5 triệu USD/chiếc.

Tiêm kích Trung Quốc giá trung bình chỉ bằng 1/5 tiêm kích Mỹ ảnh 1

Máy bay chiến đấu Su-35 của Nga có giá 70 - 80 triệu USD/chiếc

Mỹ tuy đứng thứ 2 về số lượng máy bay đã bán được nhưng họ kiếm lời được gần gấp đôi Nga. Tổng cộng Mỹ đã bán ra nước ngoài 339 chiếc máy bay chiến đấu, với kim ngạch xuất khẩu khổng lồ là 31,4 tỷ USD, giá trị bình quân của 1 chiếc máy bay là 92,6 triệu USD.

Trung Quốc tuy được xếp thứ 3 nhưng khoảng cách giữa họ và 2 nước dẫn đầu là vô cùng lớn. Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã bán được 187 chiếc máy bay chiến đấu nhưng chỉ thu về được có 3,7 tỷ USD với giá trị bình quân 1 chiếc máy bay cực thấp là 19,7 triệu USD.

Tiêm kích Trung Quốc giá trung bình chỉ bằng 1/5 tiêm kích Mỹ ảnh 2

Phiên bản xuất khẩu của FC-1 Trung Quốc là JF-17 bán sang
Pakistan có giá vẻn vẹn 10 triệu USD

Căn cứ vào các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu đã ký, trong vòng 3 năm, từ 2013-2015, lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu sụt giảm gần 300 chiếc với số lượng bán ra 529 chiếc, tổng kim ngạch giao dịch 41,4 tỷ USD (tính đến thời điểm gia hàng năm 2016).

Trong giai đoạn này, thị trường máy bay chiến đấu ế ẩm vì 3 lí do. Thứ nhất là phiên bản xuất khẩu của các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc không được phép bán ra trước năm 2020; thứ 2 là xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng của các nước đang tiếp tục mở rộng; thứ 3 là không quân các nước ngày càng coi trọng và ưu tiên mua sắm các loại tên lửa tầm xa.