Thụy Điển phát hiện máy bay ném bom hạt nhân Nga ở biển Baltic

ANTĐ -  Quân đội Thụy Điển cho biết các chiến đấu cơ của họ đã phát hiện ra 4 máy bay Nga trong không phận quốc tế biển Baltic vào hôm 24-3.

"2 máy bay oanh tạc tốc độ siêu âm có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân Tu-22, được hộ tống bởi 2 chiến đấu cơ Su-27 khác đã được phát hiện vào lúc 5:30 (giờ địa phương)"- lực lượng vũ trang Thuỵ Điển thông tin- "các máy bay Nga đều đã tắt bộ phận thu phát sóng nhằm lẩn tránh các radar cảnh báo sớm".

Thụy Điển lên tiếng quan ngại về hoạt động của Nga tại vùng biển Baltic

“Mức độ đe dọa đối với Thuỵ Điển không tăng lên, song, quân đội Thuỵ Điển vẫn sẽ theo dõi các hoạt động diễn ra tại những vùng xung quanh đất nước”, ông Goran Martensson, chỉ huy hoạt động liên quân Thuỵ Điển nói với Reuters.

Một quan chức cấp cao khác của Thuỵ Điển cũng nói với hãng tin TT: “Đây là lần đầu tiên trong năm nay chúng tôi nhìn thấy các loại máy bay nguy hiểm như trên xuất hiện tại vùng biển Baltic”.

Quân đội Thuỵ Điển tin rằng máy bay Nga đã bay dọc duyên hải vùng Baltic, sau đó rẽ xuống phía nam đến quần đảo Bornholm và Gotland, trước khi quay trở lại Vịnh Ba Lan.

Nga đã tăng cường đáng kể số chuyến bay tuần tra tại khu vực Baltic trong thời gian qua như một phản ứng với sự mở rộng của NATO về phía đông Âu và ở cả các nước Latvia, Estonia và Lithuania.

Vào cuối năm 2014, Thuỵ Điển và Đan Mạch đã phàn nàn về việc một chiến đấu cơ Nga đã tắt hệ thống thu phát sóng và suýt va chạm với một máy bay dân sự.

Sau đó, Moscow đã phản hồi rằng hành động của máy bay quân sự sẽ không thể gây hại cho chiếc máy bay thương mại.

Vào tháng 10 năm ngoái, hải quân Thuỵ Điển đã phát động cuộc tìm kiếm quy mô lớn đối với một tàu ngầm nghi là của Nga, xuất hiện tại vùng lãnh hải của nước này, nhưng cuối cùng không đem lại kết quả gì.

Vào đầu tháng 3, chính quyền Thuỵ Điển đã tuyên bố phân bổ thêm 696 triệu USD trong giai đoạn 2016 – 2020 nhằm đối phó với sự tăng cường hiện diện quân sự của quân đội Nga tại biển Baltic.

Gần đây, Stockholm đã tuyên bố tăng cường hợp tác quân sự với 2 nước láng giềng là Phần Lan và Na-Uy.