Thương vụ S-400 "thử lửa" quan hệ đồng minh NATO

ANTD.VN - Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga đang là như “ngọn lửa” thử thách quan hệ giữa Ankara với các đồng minh trong liên minh quân sự NATO, đặc biệt là quan hệ đồng minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Thương vụ S-400 "thử lửa" quan hệ đồng minh NATO ảnh 1Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga

Bất chấp mọi sự phản đối, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm mua bằng được

Bất chấp mọi sự phản đối, thậm chí cả trừng phạt của các đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ - quốc gia giữ vai trò nòng cốt trong liên minh quân sự này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cho thấy quyết tâm mua bằng được hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga. Quyết tâm này của Ankara đã được hiện thực hóa khi những thành phần đầu tiên của tổ hợp phòng không hiện đại nhất được trang bị trong quân đội Nga đã được chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thông tin và hình ảnh trong tuần qua cho thấy khoảng một chục chuyến máy bay vận tải quân sự AN-124 lớn nhất của không quân Nga đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted gần Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, mang theo các bộ phận của tổ hợp tên lửa phòng không S-400. Sau những bộ phận như xe chỉ huy, radar, ống phóng tự hành… này, 120 quả đạn tên lửa S-400 sẽ được vận chuyển bằng đường biển đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8 tới.

Khi những quả đạn S-400 được vận chuyển tới Thổ Nhĩ Kỹ, 100 sĩ quan, nhân viên kỹ thuật của nước này đang được huấn luyện tác chiến và bảo dưỡng hệ thống phòng không tại Nga cũng sẽ về nước. 100 nhân sự này khi trở về sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ huấn luyện việc vận hành tổ hợp phòng không S-400 cho những người khác, với tổng lượng nhân lực có thể gấp tới 10 lần.

Việc đưa vào trang bị hệ thống S-400 trong tương lai sẽ gia tăng đáng kể năng lực phòng không của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là một phiên bản nâng cấp rất sâu của hệ thống thế hệ “đàn em” S-300, với những cải tiến đáng kể về hệ thống điều khiển, radar, đạn tên lửa đánh chặn. Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa này có thể đồng thời tiêu diệt nhiều mục tiêu tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh.

Hệ thống phòng không đáng gờm

Cho dù biến thể xuất khẩu của S-400 Triumf có những khác biệt nhất định so với phiên bản gốc trang bị cho quân đội Nga như không được thông số tầm giám sát xa tới 600km, phạm vi đánh chặn 400km nhiều mục tiêu như phiên bản gốc, nhưng đây vẫn là hệ thống phòng không đáng gờm. Với giá cả không quá đắt, khoảng 500 triệu USD cho một tổ hợp đầy đủ, S-400 vẫn được xem là sự lựa chọn hàng đầu cho các quốc gia đủ tiềm lực muốn nâng cấp đáng kể năng lực phòng không.

Các chuyên gia quân sự đánh giá S-400 có tính năng vượt trội so với các sản phẩm vũ khí cùng phân khúc của Mỹ và phương Tây. Hiện nay, rất khó có thể tìm được hệ thống vũ khí phòng không hiện đại nào có tính năng và dải chiến đấu rộng như S-400 từ Mỹ và phương Tây khi các hệ thống xem là tương đương như PAC-3 Patriot, THAAD, MEAN, Aegis Ashore… cũng chưa  thể sánh bằng, trong khi giá cả lại đắt đỏ hơn nhiều.

Thế nên, không ngạc nhiên khi xác nhận thông tin những bộ phận đầu tiên của tổ hợp tên lửa S-400 đã được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đã hào hứng thốt lên rằng “S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất thế giới”. Ông Erdogan còn đi xa hơn khi bày tỏ mong muốn Nga chuyển giao công nghệ để “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sản xuất vũ khí này cùng với Nga”.

Song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ càng hào hứng bao nhiêu thì các đồng minh NATO của họ, nhất là Mỹ, lại “phiền lòng” bấy nhiêu. Ngay từ khi Ankara và Matxcơva ký thỏa thuận mua các hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD hồi tháng 12-2017 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của NATO và Mỹ với lý do chính là lo ngại an ninh cũng như sự không tương thích của S-400 với các hệ thống phòng không chung của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một thành viên.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quốc gia nằm liền kề các điểm nóng ở Trung Đông này cần phải có một hệ thống phòng không hiện đại, đủ tin cậy cho mục đích phòng thủ chiến lược. Ankara còn cho rằng trước khi họ và Nga đi tới thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400, Mỹ và các đồng minh NATO ở châu Âu đã không đưa được ra bất kỳ một lựa chọn thay thế khả thi nào cho nước này, thậm chí Washington còn từ chối bán các hệ thống phòng không PAC-3 Patriot trị giá 8 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vì thế có thể xem như là “lỗi” của Washington, song không vì thế mà Mỹ và NATO để yên cho quốc gia đồng minh nằm trên cả hai lục địa Âu và Á này. Ngay sau khi những bộ phận đầu tiên của hệ thống tên lửa S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cấm Ankara mua máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ mới F-35. 

Washington trước đó đã ký thỏa thuận về việc bán 100 máy bay F-35 cho đồng minh Ankara trị giá nhiều tỷ USD.

Đòn trừng phạt đầu tiên của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ do thương vụ mua S-400 được xem như “bắn một mũi tên, trúng 2 đích”. Đó là vừa răn đe Ankara không được tiến xa hơn trong hợp tác với Matxcơva, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, đồng thời ngăn ngừa trước rò rỉ những thông tin, bí mật công nghệ của “siêu” máy bay chiến đấu tàng hình F-35 vào tay Nga.

Thương vụ S-400 "thử lửa" quan hệ đồng minh NATO ảnh 2Một phần của hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 được máy bay AN-124 chuyển tới căn cứ không quân Murted của Thổ Nhĩ Kỳ

Mỹ và NATO chưa biết phải xử lý thế nào

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được thiết kế để tiêu diệt các máy bay chiến đấu và do thám của NATO, nhất là Mỹ, kể cả các phương tiện bay có công nghệ tàng hình như các loại máy bay chiến đấu F-22 và F-35. Mỹ lo lắng Nga sau khi chuyển giao S-400 có thể đưa chuyên gia quân sự tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp cận mạng lưới phòng không NATO, cũng như nghiên cứu tiêm kích tàng hình của máy bay 

F-35 nhằm nắm thông tin tác chiến bí mật, xóa bỏ ưu thế của loại máy bay chiến đấu tàng hình đắt nhất thế giới hiện nay.

Dù Mỹ tuyên bố cấm bán máy bay F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, song không phải vì thế mà làm vơi đi mối lo ngại về mối đe dọa đối với an ninh của NATO và Mỹ. Bên cạnh đó, NATO cũng lo sự hiện diện của tổ hợp phòng không S-400 cùng các chuyên gia Nga ảnh hưởng tới hợp tác của liên minh quân sự này với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng, cho tới nay, giới chuyên gia vẫn khá dè dặt khi nhìn nhận liệu Mỹ và NATO sẽ “nặng tay” hơn trong việc “trừng phạt” quốc gia đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí gây áp lực tới mức buộc Ankara phải hủy bỏ hợp đồng mua S-400 với Nga. Bởi dù sao Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn là một đồng minh quan trọng với NATO, đặc biệt là Mỹ. Không chỉ án ngữ “trận tiền” phía Đông Nam của liên minh quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ còn giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các mối đe dọa an ninh từ Trung Đông cũng như góp phần vào giải quyết các điểm nóng, vấn đề nóng ở khu vực chiến lược trọng yếu toàn cầu này.

Thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 dù khó có thể chấp nhận với Mỹ và NATO, song họ cũng chưa biết phải xử lý thế nào để vừa loại bỏ mối đe dọa này vừa giữ được quan hệ đồng minh với Ankara.