Tổng quan về lực lượng hải quân Trung Quốc (1):

Tàu sân bay “Liêu Ninh” với chiến lược bành trướng trên biển xa

ANTĐ - Để hiện thực hóa tham vọng bành trướng trên các đại dương, xây dựng biên đội hàng không mẫu hạm hiện đại và lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược là mục tiêu chiến lược của hải quân Trung Quốc.

Báo cáo cho biết, hải quân Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa theo “chiến lược phòng thủ tích cực”, mục đích chủ yếu là phản kích chống đột nhập trên biển, có khả năng tấn công “tiên phát chế nhân”. Tư tưởng tác chiến của hải quân Trung Quốc là tích cực gây sức ép đến đối thủ, ngăn chặn địch ở bên ngoài cửa ngõ quốc gia, có khả năng tác chiến trên mọi chiến trường, trên mọi vùng biển xa lãnh hải quốc gia, khi cần có thể sử dụng các đòn tiến công hạt nhân cục bộ có tính chất tự vệ bằng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. 

Hải quân Trung Quốc đã xây dựng mục tiêu phát triển bao gồm 3 giai đoạn. Hiện nay, họ đã hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 1 là thành lập các cụm chiến dịch, khống chế hoàn toàn chuỗi đảo thứ nhất, xây dựng thành trì vững chắc trên biển. Mục tiêu của giai đoạn 2 là phải bảo đảm sự hiện diện quân sự, tiến hành hoạt động tích cực trong phạm vi chuỗi đảo thứ 2.

Hiện nay, giai đoạn này đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2020. Giai đoạn 3 tiến hành trong thời gian 2020-2050 với mục đích xây dựng lực lượng hải quân viễn dương hùng mạnh, có khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ, tại bất cứ địa điểm nào tại các đại dương trên thế giới. Vì vậy, xây dựng biên đội hàng không mẫu hạm hiện đại và lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược là mục tiêu chính của giai đoạn này.

Hiện nay, 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải có hơn 700 tàu mặt nước và tàu ngầm, bao gồm: 60 tàu ngầm động cơ Diezen, ít nhất 8 tàu ngầm đa dụng chạy bằng năng lượng hạt nhân, 5 tàu ngầm tên lửa chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân, 28 tàu khu trục tên lửa, 52 tàu hộ vệ, 22 tàu rà quét mìn, 84 tàu đổ bộ, 83 tàu cao tốc tên lửa, 1 tàu đổ bộ trực thăng.

Lực lượng không quân hải quân Trung Quốc có tổng cộng 55 máy bay ném bom thuộc các loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ H-6 (Phiên bản Trung Quốc của chiếc Tu-16 của Nga), máy bay tiêm kích bom “Phi Báo” JH-7/7A và Su-30MKK; 132 máy bay tiêm, cường kích các loại, bao gồm tiêm kích thuộc thế hệ J-8, J-10 và cường kích thế hệ Q-5 (chỉ còn duy nhất loại máy bay cường kích Q-5E); 65 máy bay vận tải chủ yếu là Y-5, Y-7 (phỏng chế từ chiếc An-24 của Nga), Y-8 (phiên bản Trung Quốc của loại AN-12 của Nga); 15 máy bay trinh sát, chủ yếu là JZ-6, JZ-7, JZ-8; 3 máy bay tiếp dầu trên không H-6Y và 95 máy bay trực thăng các loại: Z-8, Z-9, Z-10 và loại Sa-321, Sa-322 của hãng Ja Super Frelon – Pháp cùng một số máy bay Mi-8, Mi-17 trước đây nhập khẩu của Nga.

Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn có 2 lữ hải quân đánh bộ (lữ 1 và lữ 164) cùng đóng quân tại thảnh phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông với quân số khoảng 1 vạn người. Hiện đang có rất nhiều thông tin thắc mắc về vấn đề tại sao Trung Quốc lại triển khai 2 lữ hải quân đánh bộ tại cũng một thành phố. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, rất có khả năng 1 trong 2 lữ này sẽ được điều động làm nòng cốt trong biên chế của lực lượng đồn trú tại "cái gọi là thành phố cấp địa khu Tam Sa", thuộc tỉnh Hải Nam mới được Trung Quốc thành lập tháng 6/2012, vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Lực lượng tàu chiến chủ lực của Trung Quốc hiện bao gồm: Kỳ hạm của hải quân Trung Quốc là tàu sân bay “Liêu Ninh”, tàu khu trục và hộ vệ tên lửa, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu cao tốc tên lửa, tàu trinh sát chống ngầm, tàu rà quét mìn.

Tàu sân bay “Liêu Ninh” mang số hiệu 16 trong lễ treo quốc kỳ


Tàu sân bay chưa có khả năng tác chiến

Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc là phiên bản cải tạo từ tàu sân bay “Varyag” thuộc lớp “Kuznetsov” của Nga, được Trung Quốc mua về từ của Ukraina với mục đích ban đầu là làm khách sạn nổi.

Tàu sân bay lớp “Kuznetsov” chỉ đóng có 2 chiếc là “Kuznetsov” và “Varyag”. Đây là lớp tàu sân bay động cơ thông thường (CV), có lượng giãn nước 6,5 vạn tấn, đường băng dài 323m kiểu bật lướt (không có máy phóng), khả năng chuyên chở tối đa 36 chiếc Su-33 (biến thể trên hạm của tiêm kích bom Su-27) và 16 máy bay trực thăng. Tàu mang theo 2500 tấn nhiên liệu hàng không, đủ cung cấp cho 5000 – 1 vạn lượt tác chiến của máy bay phản lực và trực thăng. Hiện tàu sân bay Kuznetsov vẫn đang phục vụ trong biên chế lực lượng hải quân Nga và chỉ được biên chế có 24 chiếc Su-33, 14 chiếc trực thăng trinh sát chống ngầm Ka-27PL, 2 chiếc trực thăng tác chiến điện tử, 2 chiếc trực thăng tìm kiếm và cứu hộ.

Chiếc “Varyag” Trung Quốc được cải tạo và nâng cấp theo định hướng hàng không mẫu hạm Liên Xô cũ, sử dụng hệ thống chỉ huy thông tin tác chiến và radar quét mảng trong nước sản xuất có tính năng được Trung Quốc ca ngợi là không kém gì so với radar của hệ thống phòng chống tên lửa Mỹ “Aegis”. Cũng giống như các hàng không mẫu hạm khác, hệ thống vũ khí của tàu được trang bị đơn giản, vũ khí chủ yếu là hệ thống pháo phòng không tầm gần AK-1030 và hệ thống tên lửa phòng không FL-3000N. Tàu sân bay này hiện đã được đánh số 16, phiên hiệu là “Liêu Ninh”. Nó có chiều dài là 302m, rộng 74m, mớn nước sâu 10,4m, chiều cao 66m, lượng giãn nước 6,5 vạn tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/h, biên chế đủ 2500 người (3000 người khi biên chế đủ máy bay và phi hành đoàn).

Hiện Trung Quốc đang có kế hoạch tự nghiên cứu, chế tạo 2 – 3 tàu sân bay nội địa tương tự như “Liêu Ninh” và đã bắt đầu triển khai thiết kế, dự kiến khoảng 2 – 3 năm nữa sẽ bước sang giai đoạn đóng tàu.

Ngày 23/09, rất nhiều phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin về Lễ bàn giao “Liêu Ninh” cho hải quân nhưng đến ngày 24/09, thời báo “Hoàn Cầu” của Trung Quốc đã đăng tải thông tin phủ nhận của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Thông báo cho biết, “Sự ra đời của tàu sân bay là niềm tự hào của người dân Trung Quốc, Lễ bàn giao của nó phải được tổ chức theo nghi thức Quốc gia chứ không phải theo kiểu âm thầm, lén lút như một số tờ báo chụp trộm rồi tung tin gây sốc. Đây chỉ đơn thuần là nghi lễ treo Quốc kỳ trên tàu và triển khai một số xe cứu hỏa, xe sửa chữa, xe thông tin…, là một trong những công tác chuẩn bị cho đại lễ bàn giao tàu cho hạm đội Bắc Hải”. Dự kiến là nghi thức bàn giao chính thức tàu sân bay “Liêu Ninh” sẽ được tổ chức vào ngày quốc khánh lần thứ 63 của Trung Quốc (01/10/1949-01/10/2012).

Sau đó, do lực lượng không quân hạm và biên đội tàu hộ vệ của nó chưa được định hình nên sắp tới “Liêu Ninh” sẽ được biên chế làm tàu thử nghiệm, huấn luyện của học viện tàu thuyền hải quân ở Đại Liên – Liêu Ninh.

Còn nữa...