Tại sao Nga không thể hoàn thành chương trình hiện đại hoá quân đội?

ANTD.VN -Hoạt động mua bán quan trọng gần đây nhất của quân đội Nga là hệ thống tên lửa chống máy bay Buk-M3. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng nguồn cung cấp các hệ thống Buk đơn thuần chưa đủ để bảo vệ nước Nga. Hiện đại hóa doanh nghiệp quốc phòng của đất nước là rất cần thiết, nhưng hoạt động mua bán này chưa đủ để hiện thực hoá mong muốn đó.

Vào ngày 21-10-2016, ngày mà quân đội Nga nhận được công nghệ quân sự mới của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, trong tháng 10-2016 các thiết bị quân sự trong các lực lượng vũ trang Nga hiện nay đã bao gồm các mô hình mới.

Figure 1 Một hệ thống tên lửa đối không Buk-M3

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, lưu ý rằng theo một sắc lệnh của tổng thống đến năm 2020 thì 70% các công nghệ quân sự sẽ được cập nhật.

Hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên Buk-M3 trong quân đội Nga

Một trong những “món quà” đầu tiên của quân đội Nga nhận được chính là hệ thống tên lửa phòng không Buk-M3.

Ông Valery Yarmolenko, trưởng ban phát ngôn của tập đoàn Almaz-Antey giải thích. "Đây không phải là sự hiện đại hoá các hệ thống phòng không mà quân đội Nga đã sở hữu, đây là một mô hình vũ khí hoàn toàn khác với những gì mà chúng ta đã có”.

Ông lưu ý rằng đặc thù cơ bản của Buk-M3 nằm ở vị trí của tên lửa trong ống phóng, giống như trong các hệ thống S-300, nó được vận chuyển và phóng đồng thời trong ống container.

Nhờ sự phát triển được thực hiện bởi các nhà sản xuất Nga, tên lửa có thể được phóng từ 12 ống phóng hình trụ trong vòng 20 giây sau khi hệ thống được thiết lập. Không giống như người tiền nhiệm của nó, hệ thống mới có thể tấn công tên lửa và máy bay đối phương không phải 15 km mà là 70 km (tương đương 45 dặm).

Báo Gazeta xác nhận rằng hệ thống phòng không Buk-M3 có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất cũng như các mục tiêu nằm sâu trong lòng đất – nơi mà sóng radio không thể dò ra. Điều này đồng nghĩa với việc nó có thể sử dụng như loại vũ khí dẫn đường chiến thuật và không chỉ được sử dụng đơn thuần như vũ khí phòng ngự.

Vậy quân đội Nga đã nhận được những gì trong thời gian qua?

Trong vòng 3 tháng qua, quân đội Nga đã nhận được rất nhiều hệ thống vũ khí, tiêu biểu là:

- Hai trung đoàn tên lửa S-400 chống máy bay chiến đấu và sáu hệ thống Pantsir-S;

- Các hệ thống tên lửa bờ Bal và Bastion cho quân khu miền Tây;

- Hai hệ thống Buk-M2 chống máy bay;

- Ba tên lửa đạn đạo liên lục địa;

- 100 tên lửa hành trình Kalibr và hệ thống chống tên lửa Onyx cho tàu hải quân và tàu ngầm của Nga .

Figure 2 Một hệ thống tên lửa đất-đối-không Buk-M2E trưng bày tại Hội chợ vũ khí không gian vũ trụ quốc tế tại Zhukovsky gần Matxcova. Ảnh: Mikhail Voskresenskiy/RIA Novosti

Tướng Sergei Shoigu lưu ý rằng trong diễn đàn kỹ thuật Quân sự - Quốc phòng 2016 tổ chức gần thủ đô Matxcova trong tháng 9 vừa qua, Nga đã cho thế giới thấy hầu hết các công nghệ mới của lực lượng vũ trang được trang bị hiện nay.

Vấn đề tái vũ trang quân đội

"Việc hiện đại hóa và phát triển của chương trình lực lượng vũ trang Nga, với chi phí dự kiến sẽ lên đến 22 nghìn tỷ rúp (343 tỷ USD), hoàn toàn có thể đảm bảo an ninh của đất nước vào gian đoạn nó kết thúc – tức năm 2022. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó có một loạt các vấn đề cần giải quyết.

Theo ông Viktor Yesin, cựu giám đốc của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng tên lửa chiến lược, việc hiện đại hóa các ngành công nghiệp quốc phòng (với ba nghìn tỷ rúp đã được đầu tư, chiếm 14% dự kiến), là quá nhỏ.

Điều này do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự sụp đổ của nền kinh tế Nga khi giá dầu giảm mạnh. Quá trình thay thế nhập khẩu trong các doanh nghiệp quốc phòng đang gặp khó khăn vì không có nhà cung cấp nào dám hợp tác với Nga".

Theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, vấn đề chính nằm ở thực tế rằng Nga sẽ không thể thay thế các mặt hàng nhập khẩu trong một loạt các lĩnh vực then chốt trong những năm sắp tới.

"Một điều nữa là hiện đại hóa của các doanh nghiệp. Nhưng việc đạt – chứ chưa nói vượt trình độ hiện tại trong công nghệ quốc phòng của các quốc gia mà Nga từng hợp tác, bắt đầu từ con số 0 là chuyện hoàn toàn không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Các doanh nghiệp sẽ có thể sản xuất các động cơ tàu và máy bay trực thăng đã được nhập khẩu từ các nước khác đến tận năm 2018. Tuy nhiên, có rất nhiều hệ thống điện tử đi kèm với các thiết bị, máy móc này Nga sẽ không thể tự sản xuất", nguồn tin cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Timur Ivanov, các nguồn tài chính của ngành công nghiệp quốc phòng sẽ giảm do cuộc khủng hoảng, một xu hướng chắc chắn diễn ra trong năm 2017.

"Các doanh nghiệp ngành công nghiệp quốc phòng có hợp đồng dài hạn để xây dựng tàu, tên lửa, hàng không và vệ tinh không gian. Sẽ không có việc cô lập ở đây. Trong cuộc khủng hoảng này, việc mua công nghệ thứ cấp - Tiêu biểu là xe bọc thép, động cơ, máy móc và các yếu tố tương tự như vậy – bị suy giảm," nguồn tin giải thích.

Vấn đề là tại sao Nga phải tiêu tốn quá nhiều tiền như vậy vào việc hiện đại hoá quân đội?

Cũng theo ông Yesin, không nghi ngờ gì, tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng là rất lớn. Nhưng nếu Nga muốn cảm thấy an toàn và không phải lo lắng về tương lai, thì tiền phải được chi tiêu ngay từ hôm nay để tránh lặp lại vết xe đổ - nỗi hổ thẹn của nước Nga trong giai đoạn những năm 1990 và 2000.

"Trong phạm vi răn đe bằng các loại vũ khí hạt nhân, chúng ta hoàn toàn ngang hàng với Hoa Kỳ, nhưng vũ khí thông thường của chúng ta đã bị suy yếu đáng kể. Nếu chúng ta muốn tránh chiến tranh, chúng ta phải bù đắp cho những gì chúng ta thiếu trong các năm 1990 và 2000, " Yesin nói.