Sức mạnh hủy diệt của “Quái vật biển” lớp Borey của Nga

ANTĐ - Tàu ngầm hạt nhân chiến lược thứ 3 thuộc lớp Borey mang tên "Vladimir Monomakh" đã chính thức được đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Nga, nâng sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga lên tầm cao mới.

Vai trò quan trọng của các tàu ngầm Borey đối với quân đội Nga

Tàu ngầm hạt nhân "Vladimir Monomakh" thuộc lớp Borey được đưa vào biên chế đã bổ sung sức mạnh cho nhóm tàu ngầm hạt nhân chiến lược - một trong 3 yếu tố cấu thành lực lượng răn đe hạt nhân “Tam vị nhất thể” (tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ đất liền và máy bay ném bom chiến lược) của Nga.

Ngày 19-12-2014, trên kỳ đài của tàu lần đầu tiên đã treo lá cờ Andrevsky, biểu tượng của Hải quân Nga. Trao lá cờ cho chỉ huy con tàu, Tư lệnh phó Hải quân Nga Aleksandr Fedotenkov tuyên bố rằng "lá cờ này sẽ không bao giờ hạ trước kẻ thù".

"Vladimir Monomakh" là con tàu thứ ba được chế tạo trong khuôn khổ đề án tàu ngầm tên lửa chiến lược 955 (project 955), lớp "Borey". Đây là những tàu ngầm chiến lược thế hệ thứ tư, có tính năng kỹ thuật độc đáo và vượt trội so với các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo cùng thế hệ của Mỹ và NATO.

Năm 2012, người Mỹ đã không thể phát hiện thấy tàu ngầm Nga "Tsuka" (theo phân loại của NATO gọi là "Akula"), ở vùng biển Hoa Kỳ trong suốt một tháng trời, mà so với "Tshuka", tàu ngầm "Vladimir Monomakh" còn có tính năng tàng hình siêu việt hơn.

Do tàu ngầm hạt nhân là một vũ khí chiến lược, ngay từ khi bắt tay chế tạo loạt tàu ngầm đề án "Borey", các công trình sư của Nga đã định hướng tập trung vào các phụ tùng linh kiện do Nga chế tạo. Mọi thiết bị kỹ thuật điện tử đến từng chi tiết nhỏ đều thuần túy là của Nga.

Việc nội địa hóa các linh kiện và thiết bị khiến đối phương không thể nắm bắt được tính năng và tham số kỹ thuật của tàu để tìm cách đối phó, đồng thời nó cũng triệt để khắc phục tình trạng có thể bị can thiệp từ bên ngoài do các hệ thống gián điệp điện tử.

Việc chủ động về vật liệu, linh kiện chế tạo còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay nước Nga đang phải chịu những những đòn trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu, làm gián đoạn hợp tác kỹ thuật quân sự với phương Tây và Ukraine, khiến Nga bị thiếu thốn một số linh kiện do Ukraine sản xuất.

Như tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp của Câu lạc bộ diễn đàn quốc tế "Valdai", phương Tây gây sức ép với Nga chỉ vô ích bởi "Gấu không có tham vọng giành những vùng khí hậu khác, nhưng cũng không trao rừng Taiga của mình cho bất cứ ai!”.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey phóng tên lửa đạn đạo Bulava

Ông Putin đã nói dưới dạng ẩn dụ về quyết tâm cứng rắn của Nga trong bảo vệ quyền và lợi ích của nước mình. Và để phục vụ cho mục tiêu đó, loạt tàu ngầm hạt nhân lớp “Borey”, mang tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava được chế tạo, để tạo nên sức mạnh răn đe hạt nhân hủy diệt của Nga.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên và thứ 2 đã được vận hành thành công. Tàu chỉ huy “Yury Dolgoruky” phục vụ trong Hạm đội Biển Bắc, còn tàu ngầm “Aleksandr Nevsky” thuộc biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương. Chiếc thứ 3 là "Vladimir Monomakh" cũng sẽ tham gia hoạt động trên Thái Bình Dương.

Hiện còn thêm hai chiếc loại "Borey” nữa đang trong giai đoạn chế tạo. Đến năm 2020, trong đội hình chiến đấu của hạm đội Nga sẽ có 8 chiếc tàu ngầm loại này, nâng sức mạnh của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Nga lên một tầm cao mới, tạo nên sức mạnh răn đe hạt nhân tuyệt đối dưới đáy đại dương.

Sau vụ thử thành công hồi tháng 9-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, nước này cần duy trì năng lực răn đe hạt nhân để đương đầu với các mối đe dọa về an ninh. Hiện quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức thấp nhất từ thời chiến tranh lạnh do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Vừa qua, trong học thuyết quân sự mới được công bố, Tổng thống Nga Putin cho biết, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Các lực lượng vũ trang Nga trong tương lai gần, là "phát triển đồng bộ các yếu tố cấu thành của Lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm trên không, trên mặt đất và dưới đáy biển".

Ông lưu ý, lực lượng này là yếu tố quan trọng nhất để duy trì trạng thái cân bằng toàn cầu và gần như loại bỏ hoàn toàn những khả năng xâm lược quy mô lớn chống lại Nga. Bởi vậy, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ tiếp tục được tăng cường sức mạnh và được bổ sung hơn 50 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong năm 2015.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược "Vladimir Monomakh" lớp Borey


Sức mạnh hủy diệt của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Borey

Các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo hiện đại thuộc lớp Borey, là lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên do Nga tự nghiên cứu phát triển kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Tàu được áp dụng những thành tựu tiên tiến nhất trong công nghệ chế tạo tàu ngầm và công nghệ tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Nga.

Tàu ngầm lớp Borey được Nga nghiên cứu phát triển với nhằm thay thế hoàn toàn các tàu ngầm hạt nhân chiến lược thuộc lớp Typhoon, Delta-3 và Delta-4 chuẩn bị được loại biên, sau năm 2018. Bộ Quốc phòng Nga có kế hoạch đóng ít nhất 8 chiếc tàu ​​ngầm lớp Borey để biên chế hoạt động trước năm 2020.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Borey được mệnh danh “Sát thủ thầm lặng dưới đáy biển” có chiều dài 170 m, chiều ngang 13,5 m, khả năng lặn sâu 450 m, tốc độ di chuyển 29 hải lý/giờ khi lặn. Tàu có lượng giãn nước 14.7000 tấn khi nổi và 24.000 tấn khi lặn.

Ông Konstantin Sivkov Phó Chủ tịch Học viện Các vấn đề địa chính trị nhấn mạnh, tàu ngầm lớp này có thể coi là “vô hình”, bởi nó có khả năng giảm độ ồn triệt để trong tất cả các dải tần, đặc biệt là ở tần số thấp. Điều đó khiến hầu như vô hiệu hóa khả năng của đối phương phát hiện tàu ngầm Nga.

Theo nguyên lý truyền lan sóng điện từ, độ dao động hạ âm tần số 10/05 Hz lan tỏa rất xa trong môi trường nước. Đặc biệt là khi ở độ sâu lớn, khoảng cách truyền sóng dài có thể đạt tới hàng nghìn km và các dao động này có thể bị phát hiện với sự hỗ trợ của ăng ten sóng dài trang bị trên các phương tiện săn ngầm.

Tuy nhiên, dao động tần số thấp của tàu "Vladimir Monomakh" được giảm thiểu đến cực tiểu. Cùng với các biện pháp làm giảm tối đa tiếng ồn của con tàu trong phạm vi dải tần số cao, do các cánh quạt và chân vịt hoạt động tạo ra, không có một phương tiện nào có thể phát hiện ra tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga.

Tàu ngầm lớp Borey và tên lửa đạn đạo Bulava hợp thành một “Cặp đôi hoàn hảo”

Sức mạnh ghê gớm của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey được thể hiện ở 16 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava. Các tên lửa này mang nhiều đầu đạn hạt nhân phân hướng, có thể tấn công đồng loạt một mục tiêu hay tấn công nhiều mục tiêu trong một thời điểm.

Bulava là tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn có kết cấu 3 tầng, chiều dài 14,8m, đường kính 1,9m và có thể mang tối đa 10 đầu đạn đa phân hướng. Nó có tầm bắn xa lý thuyết trên 8.400km (5.000 dặm) với trọng lượng phóng từ 36,8 tấn - 40,3 tấn (tùy theo số đầu đạn hạt nhân).

Với tối thiểu là 6, tối đa là 10 đầu đạn hạt nhân, mỗi đầu đạn có đương lượng nổ lên tới 150 kilotons. Mang theo trên mỗi tên lửa và công nghệ dẫn đường tiên tiến nhất, một tàu ngầm Borey với 16 quả Bulava có khả năng xóa sổ hoàn toàn những khu vực rộng lớn, chẳng hạn như nước Mỹ, khả năng tấn công mạnh hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ trước là R-29 “Sineva”.

Loại tên lửa đa đầu đạn hạt nhân, đa phân hướng, đa phương thức dẫn đường này được đánh giá là có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của đối phương, bởi mỗi đầu đạn đều có thể tự chọn hướng, tấn công các mục tiêu riêng rẽ ở mọi độ cao.

Sự kết hợp giữa “Sát thủ thầm lặng dưới đáy biển” lớp Borey và tên lửa đạn đạo Bulava đã hợp thành một “Cặp đôi hoàn hảo”, nâng khả năng tác chiến của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Nga lên một tầm cao mới, trở thành yếu tố đáng gờm nhất trong bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Được biết, ngay từ cuối tháng 11-2013, Công ty công trình đặc biệt (Spetsstroi) của Nga đã khởi công xây dựng 2 trong số 4 kho chứa hơn 100 quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava, ở khu vực vịnh Okolnaya - Severomorsk, nơi đặt trụ sở của Bộ tư lệnh hạm đội Phương Bắc của Nga.

4 kho chứa tên lửa Bulava có tổng kinh phí 450 triệu ruble (tương đương 13,7 triệu USD) sẽ được xây dựng trong lòng một quả núi ở vịnh Okolnaya, cách căn cứ tàu ngầm chiến lược Gadzhiyevo khoảng 3h hành trình của tàu ngầm, đây cũng là khu căn cứ chính của các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Project 955, lớp Borey.