Sợ Nga "xâm lược", Ba Lan vội vàng mua hàng loạt "Diều hâu đen" của Mỹ

ANTD.VN - Ba Lan cho biết, họ sẽ nâng cấp lực lượng vũ trang bằng cách xây dựng đội bay của riêng mình với các máy bay trực thăng S-70 – “Diều hâu đen” để đề phòng “sự xâm chiếm” của Nga. 

Tuần trước, Ba Lan đã hủy bỏ đàm phán với Pháp về việc mua 50 máy bay trực thăng H225M Caracal của hãng Airbus, Pháp. Ước tính hợp đồng có giá trị khoảng 3,5 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Antoni Macierewicz đã lên tiếng chỉ trích Tập đoàn hàng không vũ trụ khổng lồ Airbus của Pháp trong các cuộc đàm phán rằng: “Pháp có sản phẩm quân sự tốt, chúng tôi rất quan tâm đến chúng, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bị đối xử như là một bên thứ 3”.

Sợ Nga "xâm lược", Ba Lan vội vàng mua hàng loạt "Diều hâu đen" của Mỹ ảnh 1

"Diều hâu đen" của Mỹ là lựa chọn tiếp theo của Ba Lan để bảo vệ đất nước

Dù hợp đồng mua trực thăng H225M bị hủy bỏ, nhưng quân đội Ba Lan vẫn rất muốn nâng cấp lực lượng của mình. Vì vậy họ sẽ mua từ 10 đến 12 trực thăng S-70 “Diều hâu đen” của Mỹ để thành lập một lực lượng đặc biệt.

Trao đổi với DoD Buzz, bộ trưởng Macierewicz cho biết: “Tôi tin rằng nhờ việc mua “Diều hâu đen” của công ty Sikorsky, Mỹ có nhà máy đặt tại Ba Lan, đất nước sẽ có sự phát triển công nghệ và nền công nghiệp. Từ đó, chúng tôi có thể tự tin nói rằng, Ba Lan là một đất nước với quân đội tinh nhuệ và vũ khí hiện đại để đảm bảo không có đối thủ nào có thể đe dọa được”.

Theo Flight Global, sau một chuyến thăm tới cơ sở sản xuất của Công ty Sikorsky tại Ba Lan, ông Macierewicz khẳng định, việc chuẩn bị mua hàng loạt “Diều hâu đen” sẽ được tiến hành trong thời gian ngắn. Ông cũng sẽ thực hiện các cuộc đàm phán trong tuần này và hợp đồng mua hàng sẽ được ký kết vào cuối năm.

Thủ tướng Beata Szydlo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa của nước này. Ông nói: “Điều quan trọng là quân đội có trang thiết bị của Ba Lan được thực hiện bởi công nhân Ba Lan”.

Trước đó, với lý do sợ Nga “xâm chiếm”, Ba Lan đã quyết định trở thành một phần của Lữ đoàn thiết giáp chiến đấu (ABCT) của quân đội Mỹ vào năm 2017, nhằm đảm bảo các đồng minh châu Âu của Mỹ cam kết bảo vệ.

Trước động thái này, Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu (EU) Vladimi Chizhov cảnh báo rằng, sự tích tụ quân đội này là không cần thiết. Việc sợ hãi “thái quá” về “sự xâm chiếm” của Nga là không tưởng và chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng trong toàn khu vực, bao gồm cả mối quan hệ Nga-EU.

“Các quốc gia trong khối liên minh quân sự NATO liên tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại Trung và Đông Âu theo đuổi mục đích của riêng mình. Động thái này không phải lúc nào cũng có lợi trong việc duy trì mối quan hệ hòa bình trong khu vực, đặc biệt là với Nga”, ông Chizhov nói