Sau thành công ở Syria, nhiều nước muốn mua vũ khí Nga

ANTD.VN - Một quan chức Nga vừa cho biết, nhiều nước Trung Đông muốn mua các loại vũ khí mà quân đội Nga đã sử dụng thành công ở Syria.

Vũ khí Nga đắt hàng ở Trung Đông

Ngày 14/2, Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của công ty nhà nước Rostec Victor Kladov nói với phóng viên rằng, nhiều quốc gia Trung Đông bày tỏ mong muốn mua các loại vũ khí của Nga, đã chứng tỏ hiệu quả trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria,

Ông Victor Kladov nhận xét, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nhìn nhận được những ưu, khuyết điểm các trang thiết bị, vũ khí của mình, từ đó cải thiện chất lượng vũ khí.

Những thành công của lực lượng Hàng không- Vũ trụ Nga đã khiến nhiều nước quan tâm đặc biệt đến những vũ khí Nga thực chiến ở Syria, có tính năng vượt trội so với các sản phẩm đồng hạng của phương Tây.

Ông Kladov nhắc đến chiến đấu cơ Su-35, trực thăng chiến đấu Mi-28 và tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa đa tầng S-400. Không chỉ các quốc gia Trung Đông mà còn nhiều nước phát triển cùng bày tỏ mong muốn có được những vũ khí này.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, mục đích chính của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria là tránh cho đất nước này bị chia cắt, tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Nga thử nghiệm thực chiến các loại vũ khí thế hệ mới của mình.

Nga đã đưa những vũ khí tối tân nhất của mình sang tham chiến ở Syria 

Nga thử thành công 162 loại vũ khí ở Syria

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói trong cuộc gặp với giới chức cấp cao Nga vào hôm 22-12, thì quân đội Nga đã thử nghiệm hơn 162 loại vũ khí, bao gồm thiết bị tác chiến điện tử, tên lửa hành trình đối đất, hệ thống phòng không, máy bay, xe tăng-thiết giáp, tàu nổi, tàu ngầm…, trong các hoạt động quân sự chống các ổ nhóm khủng bố và phiến quân.

Các loại khí tài, vũ khí hiện đại có thể được kể đến như chiến đấu cơ Su-30SM, Su-35 và Su-34; trực thăng tấn công Mi-28N, Ka-52, trực thăng đa năng Mi-8/17; tên lửa phòng không S-400, Pantsir-S1; tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr, tổ hợp tên lửa bờ đối hạm/đối đất K-300P Bastion-P hay xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và nhiều loại vũ khí khác.

Ngoài ra, biên đội tàu sân bay Kuznetsov của Nga cũng đã thử nghiệm các hoạt động tác chiến của các tiêm kích hạm Su-33 và MiG-29K. Mặc dù vẫn còn trục trặc nhưng hoạt động này đã cho Nga những kinh nghiệm quý báu về vận hành biên đội tàu sân bay và thiết kế, chế tạo tàu sân bay tương lai.

Đại tướng Sergei Shoigu cho biết, có 10 trong tổng số 162 vũ khí được thử nghiệm đã xuất hiện lỗi và Moscow sẽ đảm bảo việc khắc phục tình trạng này. Đồng thời, một số điểm chưa phù hợp với hoạt động tác chiến trên các loại trang bị sẽ được các chuyên gia Nga tiếp tục chỉnh sửa, nâng cấp.

Một cây cầu do các kỹ sư quân sự của Nga xây dựng lại trên nền cầu cũ ở Lebanon

Nhiều nước đồng minh của Mỹ mua vũ khí Nga

Có thể nhận thấy rằng, sau những thành công của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố IS và al-Nusra, cùng với việc quân đội Syria và Iraq sử dụng rất hiệu quả vũ khí Nga, đã khiến các quốc gia khác đã thực sự thán phục sự hiệu quả của vũ khí nước này.

Nhờ đó Nga đã nhận được những hợp đồng vũ khí lớn từ các quốc gia bên ngoài Trung Đông như Iran, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập với đủ loại vũ khí như hệ thống phòng không S-300, S-400, tiêm kích đa năng Su-35, trực thăng tấn công Ka-52, xe tăng T-90. Một vài quốc gia khác đã đánh tiếng muốn mua S-30SM và Su-34.

Ở khu vực Trung Đông cũng đã có nhiều nước đã và sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí Nga, đồng thời nhiều nước cũng bắt đầu ưa thích sử dụng và đặt mua những loại vũ khí đầu tiên của Nga.

Họ tìm đến vũ khí Nga không hoàn toàn chỉ do Moscow là nước hào phóng trong viện trợ quân sự không hoàn lại hay vũ khí Nga quá rẻ, chất lượng quá tốt, mà chủ yếu là do họ thấy Điện Kremlin là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố chứ không phải là Washington.

Điều này lí giải là tại sao trong danh sách này có cả những nước đồng minh hay đang nhận được sự viện trợ của Mỹ và NATO như Iraq hay Pakistan, Afghanistan hay các nước vùng Vịnh và Bắc Phi như Lebanon Ai Cập, Lybia… Họ đã thừa nhận là vũ khí Nga hiệu quả hơn hẳn vũ khí Mỹ trong thực chiến.