S-500 bị chê "bình mới rượu cũ", lạc hậu ngay khi chưa hoàn thiện

ANTD.VN - Hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus của Nga dự kiến sẽ thay thế S-400 Triumf vào giai đoạn sau năm 2020 nhờ sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng, hệ thống tối tân này chẳng qua vẫn là "bình mới, rượu cũ" mà thôi. 

Theo các tuyên bố của giới chức quốc phòng Nga, S-500 Prometheus là hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới nhất, đủ đảm bảo duy trì sức mạnh vượt trội trước bất cứ đối thủ nào trên thế giới, hiện tại cũng như trong tương lai gần.

Là sự kế thừa những thành tựu áp dụng trên S-400, các tên lửa 77N6-N và 77N6-N1 trang bị cho S-500 có vận tốc dao động từ 5 - 7 km/s, tầm hoạt động 600 km, trần bay 200 km, được áp dụng công nghệ đánh chặn động năng, có thể tiêu diệt 10 mục tiêu bay của đối phương cùng lúc, trong đó có cả vệ tinh quân sự.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng đây là thông số lý thuyết, thực tế S-500 hiện vẫn chưa tiến hành bắn thử. Nếu vậy tính năng kỹ chiến thuật của nó liệu đã đủ để trở thành tổ hợp tên lửa đánh chặn số 1 thế giới?

Đồ họa hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 Prometheus của Nga

Đồ họa hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 Prometheus của Nga

Nếu đặt cạnh tên lửa đánh chặn chủ chốt của Mỹ là SM-3, biến thể Block IA/B có tầm bắn 700 km và lên tới 2.500 km với phiên bản nâng cấp Block IIA, vượt xa cự ly 600 km của S-500.

Trong cuộc thử nghiệm diễn ra ngày 21/2/2008, SM-3 phóng từ tuần dương hạm USS Lake Erie đã phá hủy thành công một vệ tinh bay cách trái đất 247 km, vượt trội trần bay 200 km của S-500.

Thậm chí khi so sánh với một tổ hợp phòng không khác cũng đang trong quá trình phát triển là Arrow-4 của Israel, S-500 cũng không tạo dựng được ưu thế nào, nếu chưa muốn nói là đã thua kém.

Cụ thể, Arrow 4 sẽ có khả năng tiêu diệt mục tiêu như tên lửa đạn đạo từ cự ly 700 km ở tầm cao 250 km và di chuyển với tốc độ Mach 8 (9.800 km/h) bằng phương thức va chạm động năng, các thông số trên đều bỏ xa S-500.

Tuy nhiên ngoài thông số kỹ chiến thuật, điều khiến giới quan sát tỏ vẻ thất vọng nhất về S-500 chính là công nghệ đánh chặn của nó bị nhận định là chẳng có gì đột phá, thậm chí vẫn “thô sơ” như xưa. Để tìm hiểu vấn đề này cần nhìn lại một chút về quá khứ.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, lưới lửa phòng không bảo vệ bầu trời Moskva được trang bị 2 tổ hợp đánh chặn tầm cao nổi tiếng là A-135 và A-235 Nudol, đây là hai loại tên lửa có kích thước và tầm bắn siêu khủng, lên tới 1.500 km, đủ để vươn tới tầm bay mọi loại ICBM của đối phương.

Bay cao và xa nhưng tính chính xác của tên lửa đánh chặn thuộc hai hệ thống này chưa bao giờ là điều tự hào, do công nghệ của Liên Xô thời đó vướng phải nhiều rào cản kỹ thuật.

Chính vì vậy mà Liên Xô buộc phải áp dụng một giải pháp tồi tệ đó là chấp nhận lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đánh chặn, không rõ họ đã tính tới hậu quả khi vũ khí nguyên tử của mình nổ ngay trên đất mình hay chưa?

Lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đánh chặn là giải pháp khó mà tồi tệ hơn

Lắp đầu đạn hạt nhân cho tên lửa đánh chặn là giải pháp khó mà tồi tệ hơn

Nga từ lâu đã mong mỏi làm chủ được công nghệ đánh chặn bằng động năng - hit to kill như cách mà Mỹ đã triển khai trên tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3, công nghệ này cho phép tên lửa vươn tới tầm bắn tối ưu, độ chính xác tuyệt đối trong khi kích thước của đạn lại cực kỳ nhỏ gọn.

Ví dụ đạn SM-3 block IIA có trọng lượng chỉ 1,5 tấn với chiều dài 6,55 m; đường kính thân 53,3 cm nhưng đã đạt tới tầm xa 2.500 km, tức là vượt trội cả con số 1.500 km của A-235 Nudol.

Mơ ước về công nghệ hit to kill của Moskva kỳ vọng sẽ được hiện thực hóa trên tên lửa 77N6E và 77N6E1 của S-500, nhưng chỉ cần nhìn qua thiết kế sơ bộ đã thấy điều này khó thành hiện thực.

Tên lửa 9M82M Giant thuộc tổ hợp S-300VM Antey 2500

Tên lửa 9M82M Giant thuộc tổ hợp S-300VM Antey 2500

Để có cái nhìn trực quan, hãy xem qua đạn 9M82M Giant trang bị cho S-300VM Antey 2500. Quả tên lửa có trọng lượng 5,8 tấn này với chiều dài 9,9 m; đường kính 1,2 m lớn hơn hẳn SM-3 Block IIA nhưng tầm bắn chỉ là 250 km.

Kích thước siêu khủng nhưng tầm bắn ngắn như vậy được giải thích là do động cơ của nó đạt hiệu suất kém hơn hẳn loại trang bị cho SM-3, đồng thời phải mang theo đầu đạn nặng 150 kg nhằm tăng xác suất tiêu diệt.

Mô hình chi tiết đầu tiên của hệ thống S-500 Prometheus

Mô hình chi tiết đầu tiên của hệ thống S-500 Prometheus

Tương quan kích thước giữa xe mang phóng tự hành của S-500 và S-300VM, dễ dàng nhận ra TEL của S-500 có chiều dài lớn hơn hẳn, căn cứ vào số lượng cũng như đường kính các bánh chịu nặng, chắc chắn tên lửa 77N6 to hơn 9M82M khá nhiều và dĩ nhiên là càng "khủng" khi đặt cạnh SM-3.

Kích thước rất lớn nhưng tầm bắn của S-500 chỉ tới tối đa 700 km, tầm cao 250 km, quá nhỏ bé khi đặt cạnh SM-3, điều này cho thấy tên lửa Nga vẫn chưa thể bỏ đi đầu đạn trọng lượng cực lớn.

Nguyên nhân có thể là do Nga buộc S-500 phải làm thêm nhiệm vụ chống máy bay so với SM-3 chỉ chống tên lửa đạn đạo, nhưng mọi nghi ngờ dĩ nhiên đều tập trung vào khả năng Moskva chưa thể áp dụng phương thức “hit to kill” cho S-500.

Với những phân tích trên, không khó hiểu vì sao S-500 Prometheus lại đang bị nhận xét chỉ là “bình mới rượu cũ” và đã lạc hậu ngay từ khi chưa hoàn thiện.