Quốc hội Ba Lan cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa

ANTĐ - Ngày 25-9, hạ viện Ba Lan đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống Andrzej Duda phê chuẩn một thỏa thuận mang tính kỹ thuật về việc thiết lập một căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại miền bắc nước này.

Trong phiên bỏ phiếu này, tổng số 422 thành viên hạ viện Ba Lan đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 3 nghị sỹ bỏ phiếu chống và 5 nghị sỹ bỏ phiếu trắng.

Dự luật đã phác thảo những điều kiện mang tính kỹ thuật về việc vận hành của căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Ba Lan, như những hạn chế về độ cao của các tòa nhà có thể được xây dựng xung quanh căn cứ, việc sử dụng các thiết bị phát ra sóng điện từ, và các chuyến bay của máy bay quân sự quanh cơ sở tương lai này.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ triển khai tham gia diễn tập tại Ba Lan

Washington muốn mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa (AMD) tại châu Âu bằng việc triển khai radar trên đất liền và trên biển và các tên lửa đánh chặn tại làng Redzikowo ở gần thành phố Slupsk, miền bắc Ba Lan.

Theo thỏa thuận với Mỹ, Ba Lan sẽ cho phép triển khai khoảng 24 tên lửa đánh chặn phóng thẳng đứng SM-3. Ngoài ra, một thỏa thuận tương tự cũng đã được ký kết với Romania.

Việc xây dựng các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa tại Ba Lan dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2016 và hoàn thành vào năm 2018.

Năm 2009, một năm sau khi Warsaw và Washington ký kết thỏa thuận trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết rằng thỏa thuận sẽ được hủy bỏ nếu vấn đề hạt nhân của Iran được giải quyết.

Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận vừa đạt được với Tehran về việc kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này để đổi lấy việc lới lỏng các lệnh cấm vận quốc tế, nhưng kế hoạch AMD tại châu Âu do NATO ủng hộ này vẫn tiếp tục được triển khai.