Quân đội Nga, Syria cùng hiệp lực giải phóng Raqqa, SDF lại đổi ý

ANTĐ -Hiện các lực lượng thân chính phủ Syria chỉ còn cách Raqqa – thành trì của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khoảng 25 dặm (40km), trong khi đó các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Hoa Kỳ hậu thuẫn lại đang chuyển sang hướng tấn công khác, mà cách đây vài tuần, giải phóng Raqqa vẫn là mục tiêu hàng đầu của quân đội Syria và SDF.

Trước đó, chính quyền Obama cam kết sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong giải phóng thành phố Raqqa, nhưng hiện các lực lượng được Hoa Kỳ hậu thuẫn đang chuyển theo hướng tấn công thành phố Manbij, cách xa Raqqa tới 136 km.

Quân đội chính phủ Syria (SAA) tiếp tục tiến về Raqqa, sau khi giành được đập Taqba trên sông Euphrates, chỉ cách Raqqa 25 dặm (40km) trong tuần này. Đây là lần đầu tiên lực lượng Syria xâm nhập vào tỉnh Raqqa kể từ năm 2014.

Quân đội Nga, Syria cùng hiệp lực giải phóng Raqqa, SDF lại đổi ý ảnh 1

Binh lính quân đội Syria phóng rocket vào các vị trí của IS ở Raqqa

Sự tấn công của SAA vào thành trì của nhóm khủng bố này đã được yểm trợ tích cực bằng các cuộc không kích không ngừng của không quân Nga trong các khu vực phía đông tỉnh Hama, giáp Raqqa. Hiện tại, các lực lượng Syria đang đóng quân ở thị trấn al-Tabqah, khu vực gần đây mới được giải phóng khỏi tay những kẻ khủng bố IS. Thành công này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Syria tiến sát Raqqa.

Trong khi đó, SDF, chủ yếu là người Kurd, được Mỹ hậu thuẫn lại đảo ngược tình thế của họ, và tái tập trung sức mạnh quân sự sang hướng chiếm lại thành phố Manbij, với mong muốn củng cố vị trí các nhóm đối lập, gây bất ổn cho chế độ Assad.

Việc SDF chuyển mục tiêu tấn công vào thời điểm này, mà trước đó họ đã đua tranh với SAA được Nga hậu thuẫn trong một nỗ lực giành lại Raqqa từ IS, cho thấy những hạn chế chiến lược đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama, khi vừa muốn lật đổ Bashar al- Assad, vừa muốn giải phóng Raqqa từ tay IS.

Điều gì đã tạo ra một cuộc cạnh tranh có thể biến thành một cuộc xung đột giữa các bên, khi họ chia sẻ quan điểm địa chính trị rất khác nhau. Nga thì tin cần phải ủng hộ, tiếp sức cho chế độ Assad, ít nhất là cho đến khi IS bị đánh bại. Hoa Kỳ thì tin cần phải hỗ trợ các lực lượng đối lập và lật đổ Assad. Nỗ lực này của Washington thường phạm phải sai lầm, khi vũ khí do Mỹ cung cấp cho các phe đối lập luôn rơi vào tay bọn khủng bố al-Nusra liên kết với các nhóm nổi dậy bạo lực.

Một số người cho rằng, sự rút quân của các lực lượng người Kurd thể hiện sự không chống đối lại các nhà chiến lược quân sự Mỹ. Họ khuyên Hoa Kỳ và Nga nên phối hợp các nỗ lực để giải phóng lãnh thổ Syria.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook từ chối đưa ra lời giải thích, song ông khẳng định: "Chắc chắn sẽ không có sự phối hợp trực tiếp các hoạt động trên mặt đất giữa Mỹ và Nga".

Nếu như SDF và quân đội Syria cùng tiến vào thành phố Raqqa, điều này có khả năng  sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Moscow và Washington.