Quân đội Mỹ - Philippines “vai kề vai” chống Trung Quốc?

ANTĐ - Vào ngày 20-4, Hoa Kỳ và Philippines đã bắt đầu tổ chức cuộc tập trận chung “Balikatan” ("Vai kề vai") lớn nhất trong vòng 15 năm qua, với sự tham gia của gần 12.000 binh sĩ.

Tập trận chung “Balikatan” lớn nhất 15 năm qua

“Vai kề vai” (“Balikatan”) là cuộc diễn tập quân sự liên hợp thường niên giữa Mỹ và Philippines, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1991, bị gián đoạn vào năm 1995 và được tiếp tục triển khai năm 1999. Cuộc diễn tập này là lần thao diễn thứ 31 của quân đội hai nước.

Cuộc tập trận năm nay đã huy động 11.740 binh sĩ của 3 nước tham gia, được tổ chức từ ngày 20 đến 30-4, trong đó có 6.656 lính Mỹ. Chỉ tính riêng số lượng lính Mỹ đã nhiều hơn 1.100 người so với tổng quân số tham gia cuộc tập trận năm ngoái (cả 2 nước chỉ có 5.500 binh sĩ tham gia).

Quân đội Mỹ triển khai tới Philippines 76 máy bay quân sự và ba tàu chiến, còn nước sở tại điều động 5023 binh sỹ, cùng với 15 máy bay và một tàu chiến tham dự. Ngoài ra, lực lượng vũ trang Australia cũng sẽ có mặt với 61 binh sĩ và một máy bay.

Ngoài 3 nước chính thức triển khai quân tham gia diễn tập, còn có nhiều nước khác tham gia với tư cách là quan sát viên như các nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thailand..., cùng với các quốc gia khác như Đông Timor, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hồi đầu tháng này, người phát ngôn của quân đội Philippines Harold Cabunoc hôm tuyên bố, nước này cùng với Mỹ và Australia sẽ tổ chức cuộc tập chung mang tên “Balikatan” (Vai kề vai) vào ngày 20-4, một số hoạt động diễn tập sẽ diễn ra trên khu vực biển Đông.

Khu trục hạm DDG-56 USS John S. McCain của Mỹ đến Philippines tham dự tập trận chung CARAT 2014

Một số hoạt động của cuộc trập trận Balikatan được tổ chức ở căn cứ hải quân Zambales, nằm cách bãi cạn Scarborough khoảng 220 km. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 2012.
Ngoài ra, một số khoa mục tập trận cũng được tổ chức ở khu vực đảo Panay, Palawan và tại một căn cứ quân sự ở phía bắc Manila.

Ông Cabunoc cho biết, cuộc tập trận không nhắm tới Trung Quốc dù quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Binh sĩ hai nước sẽ thực hiện các cuộc tập trận bảo vệ an ninh hàng hải, chống thảm họa thiên tai.

Đích nhắm vẫn sẽ là Trung Quốc?

Thiếu tướng Raul del Rosario -  Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách kế hoạch của Lực lượng vũ trang Philippines cho biết, quân đội 2 nước sẽ diễn tập với bối cảnh các cuộc không chiến của Mỹ và các trận đánh thực tế trên đất liền trong vòng mười ngày.

Vị phát ngôn viên của quân đội Philippines  khẳng định, quy mô của cuộc tập trận năm 2015 lớn hơn các năm trước là kết quả phản ánh cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước và là một phần trong chiến lược chuyển hướng sang châu Á của Mỹ.

Có thông tin cho biết, Mỹ có kế hoạch tiến hành trong khu vực 29 cuộc tập trận chung với 12 quốc gia khác nhau trong vòng 5 năm tới. Việc tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn, mật độ dày như vậy là chỉ số nói lên sự leo thang đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Lễ khai mạc diễn tập quân sự liên hợp Balikantan 2014

Trong những năm gần đây, châu Á đã bước vào một cuộc chạy đua vũ khí chưa từng có, “lục địa vàng” hiện đang dẫn đầu thế giới về ngân sách quân sự. Điều đó phần lớn xuất phát từ sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt là sự bành trướng thế lực trên biển ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Ông Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nga, trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông của Đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg nhận định: "Trung Quốc sẽ tăng cường tiềm năng quân sự, Hoa Kỳ cũng sẽ đáp trả bằng cách như vậy”.

Ông cho rằng, hiện nay các nước phụ thuộc vào Mỹ, từ Philippines cho Myanmar, đang lập ra hàng rào bảo vệ chống Trung Quốc. Bắt đầu thời kỳ đấu tranh chính trị và ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, cả trên lục địa và các quốc đảo Đông Nam Á.

Trong thời gian qua, Philippines đã nhiều lần lên án các hành vi khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt là việc Bắc Kinh lấn biển xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Do đó, Manila quyết đẩy mạnh quan hệ quân sự với Washington.

Năm ngoái, Mỹ và Philippines đã ký thỏa thuận tăng cường sự hiện diện quân sự của Washington tại quốc gia Đông Nam Á này. Manila đã “lách luật” để cho phép quân đội Mỹ được trú quân ở đây lâu hơn dưới các hình thức tổ chức tập trận, huấn luyện chung và luân chuyển quân.