Nước nào hưởng lợi từ thương vụ Nga bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ?

ANTD.VN - Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố, Ankara quan tâm đến việc mua S-400 Triumf, một trong các hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất được thiết kế và chế tạo tại Nga. Vậy nước nào sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này nếu nó được thực hiện?

Nhà phân tích quốc phòng Mikhail Khodoryonok đã nêu chi tiết việc Moscow và Ankara sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này như thế nào.

“Nước mua sẽ trở nên gắn bó với nước sản xuất loại vũ khí này do cần phải bảo dưỡng và huấn luyện chuyên môn. Hợp tác quân sự và kỹ thuật chặt chẽ sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có những hành động chính trị gây hấn với Nga. Ngoài ra, thỏa thuận do một quốc gia thành viên NATO thực hiện sẽ tăng cường hình ảnh của ngành công nghiệp quốc phòng Nga”, ông nói với hãng thông tấn RIA Novosti.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga

Thương vụ này được cho là đã nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp hồi tháng 3-2014 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Hôm 14-3 vừa qua, ông Sergey Chemezov, giám đốc điều hành tập đoàn quốc doanh Rostec của Nga, xác nhận rằng Ankara sẵn sàng mua hệ thống S-400 nếu Moscow cung cấp một khoản vay.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giành được nhiều lợi thế từ việc mua hệ thống S-400 Triumf bởi vì nước này chưa sở hữu một hệ thống vũ khí phòng không tầm xa. Ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Xuất khẩu vũ khí, nói với RIA Novosti rằng, Ankara quan tâm đến việc tăng cường hệ thống phòng không của mình để tự vệ trước các nước láng giềng.

“Iran là kẻ thù chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Nước Cộng hòa Hồi giáo này sở hữu một lực lượng không quân tương đối mạnh. Đồng thời, Iran có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình trước một cuộc tấn công trả đũa. Năm ngoái, Nga đã bàn giao 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU2 cho nước này”, ông giải thích.

“Ngoài ra, mối quan hệ của Ankara với Damascus cũng căng thẳng. Chính phủ Syria sở hữu những hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa và tên lửa tầm ngắn, trong khi các hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng là yếu”, nhà báo Frolov nhận định.

Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp phải những thách thức nhất định nếu họ thực sự mua hệ thống S-400. Trước tiên, các thành viên NATO khác, nhất là Mỹ, sẽ không vui vẻ gì với thỏa thuận này, trong khi quan hệ của Ankara với các đối tác phương Tây đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây. Thứ 2, việc tích hợp hệ thống S-400 vào hệ thống phòng không của NATO sẽ không dễ dàng.

Ngoài ra, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận với Nga, thì việc bàn giao các hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không diễn ra trước năm 2020-2022.