Những vũ khí hiện đại nào của Israel có sức hấp dẫn đối với Việt Nam?

ANTD.VN - Trước những bước tiến nhanh chóng trong hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và Tel Avip, giới truyền thông và các chuyên gia quân sự thường nêu ra một câu hỏi là: “Việt Nam có thể sẽ tiếp tục mua sắm vũ khí gì của Israel”?

Trong bài viết trước với tiêu đề “Việt Nam-Israel đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế - quân sự”, chúng ta đã tìm hiểu về những vũ khí mà trước đây Israel đã cung cấp cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí sát thương của đồng minh Mỹ.

Việt Nam đã mua và có thể tiếp tục lựa chọn thêm vũ khí Israel

Giới truyền thông và các chuyên gia quân sự cho biết, sự tin cậy trong hợp tác và chất lượng những loại vũ khí, trang bị của Israel được Việt Nam đánh giá cao và Hà Nội đã tiếp tục tìm hiểu, chọn mua những loại vũ khí công nghệ cao phù hợp với mình.

Sau đây là một số loại vũ khí mà giới truyền thông cho rằng có sức hấp dẫn đối với Việt Nam:

1. Máy bay không người lái Heron

Theo giới thiệu của kênh truyền hình “Quốc phòng Việt Nam”, ngay từ năm 2014, quân đội Việt Nam đã mua sắm một loại máy bay trinh sát không người lái tầm gần của Israel là Orbiter 2 do hãng ADS (Aeronautics Defense Systems-Israel) chế tạo và đã đưa vào biên chế.

Orbiter 2 là loại UAV rất nhỏ, trọng lượng cất cánh tối đa 9,5kg, có thể mang thêm 1,5 kg thiết bị trinh sát. Máy bay Orbiter 2 sử dụng động cơ điện, đạt tốc độ bay từ 55 - 130 km/giờ, có phạm vi hoạt động 80km, thời gian lưu không 4h, trần bay tối đa 5.400m.

Hệ thống UAV Orbiter 2 được vận hành bởi 2 binh sỹ, và có thể được triển khai phóng bằng tay hoặc trên phương tiện cơ động, phù hợp cho nhiệm vụ trinh sát mục tiêu gần bờ hoặc trong chiến trường phạm vi hẹp và hướng dẫn mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực.

Ngoài Việt Nam, hiện UAV Orbiter hiện đang được quân đội khoảng 10 nước sử dụng, trong số đó có Israel, Nam Phi, Mexico, Ba Lan và Phần Lan. Tuy nhiên, do phạm vi tác chiến hạn chế, tầm cao thấp, thời gian lưu không ngắn nên nó không thể đảm nhận nhiệm vụ tuần tra tầm xa.

Ngoài UAV Orbiter 2, Việt Nam có thể mua thêm UAV Heron

Do đó, Việt Nam theo dõi, đánh giá sát sao tính năng chiến-kỹ thuật và hiệu quả tác chiến của máy bay không người lái Heron và Searche Mk.2 của Israel, trong biên chế một phi đội của Hải quân Ấn Độ, hiện đang triển khai tại căn cứ hải quân Tamil Nadu.

Với trần bay 10km, phạm vi hoạt động 320km và thời gian hoạt động liên tục trên không lên đến 54h, máy bay trinh sát không người lái Heron của Israel được coi là một sự lựa chọn tốt cho nhiệm vụ tuần tra tầm xa, trong thời gian dài trên khu vực Biển Đông.

2. Tên lửa chống tăng Spike NLOS

Một loại vũ khí khác mà giới truyền thông cho là Việt Nam đang rất quan tâm là tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS. Do trọng lượng tên lửa lên tới 70kg nên Spike được lắp trên các phương tiện mang cơ động như ô tô, trực thăng hay khung gầm tăng-thiết giáp như M113 hay M48

Loại tên lửa này có khả năng tiêu diệt xe tăng-thiết giáp địch ở cự ly 25 km, tức là gấp 5 lần so với các mẫu tên lửa chống tăng có điều khiển do Mỹ, châu Âu, Nga và Trung Quốc sản xuất. Đồng thời, nó còn có khả năng tấn công máy bay trực thăng bay thấp hay tàu chiến đối phương.

Nguyên nhân mà giới truyền thông cho là Việt Nam có thể mua Spike NLOS là do Việt Nam đang thiếu những vũ khí chống tăng tự hành tầm xa; hơn nữa Việt Nam cũng muốn tận dụng nền tảng khung gầm những xe tăng-thiết giáp còn đang niêm cất khá nhiều trong kho.

Sau khi giải phóng Miền Nam năm 1975, Việt Nam thu giữ được hàng trăm xe tăng M48 và xe bọc thép chở quân M113 của Mỹ trong biên chế quân đội Sài Gòn. Sau đó, các trang bị này tiếp tục được sử dụng một thời gian dài và hiện nay một số lượng lớn đang được niêm cất trong kho.

Hệ thống 6 quả tên lửa chống tăng có điều khiển Spike NLOS, lắp đặt trên khung gầm xe thiết giáp M113

Trong trường hợp mua Spike NLOS, chúng ta có thể lựa chọn nền tảng là xe quân sự 4x4, xe thiết giáp chở bộ binh M113, xe tăng M48 hoán cải. Việc tận dụng những khung gầm này là giải pháp rất kinh tế, cho phép chúng ta xây dựng lực lượng xe chống tăng tầm xa tự hành rất mạnh.

3. Nâng cấp xe tăng T-54/55

Hiện nay, Việt Nam đang còn hàng nghìn xe tăng T-54/TT do Liên Xô sản xuất từ thập niên 50 của thế kỷ trước, không đáp ứng được yêu cầu chiến tranh hiện đại nên nhu cầu hiện đại hóa lực lượng tăng-thiết giáp này đang trở nên rất cấp bách.

Trước đây, Việt Nam đã hợp tác với Israel thử nghiệm hiện đại hóa toàn diện một số lượng nhỏ xe tăng T-54M3.

Một số thay đổi chính như sau: Thay pháo chính nòng xoắn D-10T2S 100mm bằng pháo M68/L7 105mm, lắp đặt thêm súng cối 60mm; Mặt trước tháp pháo của T-54M3 trang bị giáp hình bán nguyệt, thân xe bọc giáp phản ứng nổ thế hệ 2 Blazer do Israel chế tạo; Lắp đặt động cơ 1.000 mã lực của Đức cùng bộ xích mới cho phép tăng khả năng cơ động…

Ngoài ra, xe tăng còn được lắp đặt hệ thống chỉ huy COMTOS-55, hệ thống điều khiển hỏa lực EFCS 3-55B, hệ thống liên lạc kỹ thuật số BROM RC 04, cảm biến khí tượng MAWS6056B, máy tính đường đạn kỹ thuật số Fontana SGS-55, hệ thống quan sát tích hợp ngày/đêm Fontana CODRIS.

Nhờ những thay đổi này, xe tăng có khả năng tác chiến đêm tốt, có thể bắn khi đang hành tiến, sử dụng nhiều loại đạn với độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, giá thành nâng cấp sâu có thể lên đến 1 triệu USD/chiếc. Do đó, Việt Nam đã từ bỏ giải pháp này.

Phiên bản xe tăng T-54/55 Việt Nam được Israel nâng cấp, hiện đại hóa

Sau đó, Việt Nam đã nỗ lực tự hiện đại hóa các xe tăng T-54/55 của mình với việc tự nghiên cứu sản xuất giáp phản ứng nổ; chế tạo tổ hợp súng máy đồng trục 12,7 mm điều khiển từ xa; máy tính trung tâm, camera quan sát ngày/đêm; hệ thống nạp đạn bán tự động…

Những giải pháp của Việt Nam sẽ làm giảm đáng kể các hạng mục nâng cấp phải thuê của nước ngoài, tiết kiệm được một lượng lớn tiền bạc. Hiện nay, chúng ta chỉ cần trang bị thêm các hệ thống chỉ huy, điều khiển hỏa lực, thông tin liên lạc… và một số chi tiết nhỏ khác, hoàn toàn có thể được phía Israel đáp ứng.

4. Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome

Cũng đã từng có tờ báo đề cập đến vấn đề Việt Nam quan tâm đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm Sắt), một thành tố của hệ thống phòng thủ chống tên lửa ba tầng của Israel, cùng với hệ thống tầm trung David’s Sling và tầm xa Arrow.

Iron Dome là tầng phòng thủ thấp nhất, nó có 2 nhiệm vụ chính gồm: Ngăn chặn các cuộc tấn công tấn công bằng rocket, đạn pháo và súng cối; đóng vai trò là hệ thống phòng không tầm gần tấn công các mục tiêu như máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, vũ khí đạn đạo dẫn đường chính xác PGM.

Hệ thống có thể trực chiến cả đêm lẫn ngày, trong mọi điều kiện thời tiết bao gồm cả khi trời mù hoặc bão cát. Một tổ hợp thường là có 3 xe. Mỗi thùng phóng có 20 ống chứa tên lửa Tamir. Đạn tên lửa dài 3m, đường kính 160mm, trọng lượng 90 kg, phạm vi đánh chặn 70km.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm gần Iron Dome của Israel

Tuy nhiên, mặc dù Iron Dome được coi là có hiệu quả hàng đầu thế giới trong đánh chặn đạn tên lửa tầm ngắn và rocket, nhưng khả năng Việt Nam mua các hệ thống này là không cao. Có 2 nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất là: Mặc dù giá thành rẻ (mỗi quả đạn 50.000 USD, một đại đội tốn 50 triệu USD), hơn các hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Israel và thế giới, nhưng khi vận hành với số lượng lớn, chi phí của chúng cũng không hề rẻ, trong khi một quả đạn rocket bị đánh chặn chỉ có giá vài nghìn USD.

Thứ hai là: Israel sử dụng Iron Dome hiệu quả cao trong điều kiện rocket của Hamas và Hezbollah phóng sang lãnh thổ nước này với số lượng ít, mật độ tấn công thưa thớt. Nếu trong chiến tranh cường độ cao, đối phương sử dụng một tiểu đoàn pháo phản lực, phóng đồng loạt hàng trăm quả vào một khu vực tác chiến rộng chừng 5km2, Iron Dome khi đó sẽ bất lực.

Trong khi đó, Việt Nam không ở trong hoàn cảnh như của Israel. Với những điều kiện và đặc điểm khác nhau, thực tế là Việt Nam sẽ có thể sẽ không lựa chọn loại vũ khí chống tên lửa này.

5. Kết nối, tích hợp các vũ khí khác tiêu chuẩn

Bên cạnh những trang bị, vũ khí cụ thể, Việt Nam có thể hợp tác với Israel trong lĩnh vực kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin tác chiến giữa các phương tiện chiến đấu thuộc các chuẩn khác nhau, trong tổng thể một hệ thống chiến đấu chiến trường thống nhất.

Đối với một quốc gia mua sắm nhiều trang bị, vũ khí của các nước khác nhau, vấn đề tối quan trọng là phải tích hợp các thiết bị khác loại trên một hệ thống vũ khí hoặc tích hợp nhiều hệ thống vũ khí trong một hệ thống chỉ huy điều khiển thống nhất, để phát huy hết hiệu quả của các loại vũ khí.

Israel thay radar Vega-M của Nga bằng radar EL/M-2075 Phalcon của hãng IAI trên máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm Beriev A-50 Mainstay, mà Nga bán cho Ấn Độ

Thời gian qua, bên cạnh việc tiếp tục trung thành với bạn hàng truyền thống là Nga, cùng với một số quốc gia Đông Âu; Việt Nam đang bắt đầu đa phương hóa hợp tác quân sự và đã dạng hóa các nguồn cung vũ khí, trang bị, bằng việc mua sắm các sản phẩm của phương Tây.

Ví dụ như giới truyền thông đã từng nêu là Việt Nam có thể mua máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion, máy bay chiến đấu F-16/F-18 của Mỹ, hay máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm C-295 AEW&C của Airbus hoặc chiến hạm Sigma của Hà Lan…

Khi đó, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết nối các vũ khí phương Tây với số lượng lớn vũ khí Nga trong một hệ thống chỉ huy tác chiến thống nhất của toàn quân. Nếu để các vũ khí tác chiến một cách rời rạc thì hiệu quả chiến đấu sẽ rất thấp.

Về vấn đề này, Việt Nam có thể tìm kiếm sự trợ giúp của Israel, bởi nước này là “bậc thầy” về nâng cấp, tích hợp các vũ khí Liên Xô, ví dụ như nâng cấp xe tăng T-54/55, T-62/72…; hay thay radar Nga trên máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm Ấn Độ bằng radar Israel…

Tóm lại: Giới chuyên gia nhận định, tiềm năng hợp tác kỹ thuật quân sự trong mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Israel là vô cùng lớn; hơn nữa, mặc dù là đồng minh của Washington nhưng Tel Avip có tính độc lập rất cao. Do đó, trong tương lai Israel hoàn toàn có thể trở thành đối tác quốc phòng rất đáng tin cậy của Việt Nam.