Nhật sẽ "chẹn cổ" hải quân Trung Quốc ở Iwo Jima

ANTĐ - Trong chuyến đi thị sát đảo Iwo Jima ngày 6-10 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Odonera tuyên bố, Nhật Bản sẽ xây dựng hòn đảo này thành một cứ điểm phòng thủ mới, tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích hải dương của nước này.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản còn cho biết, Nhật sẽ tăng cường bố trí cảnh giới, phòng vệ khu vực biển xung quanh đảo, đến năm 2014 Tokyo sẽ xây dựng ở đây một căn cứ kiểm tra, giám sát thông tin nhằm giám sát hoạt động ra, cào Thái Bình Dương của chiến hạm các nước xung quanh. Ông nhấn mạnh, tàu thuyền các nước tiến nhập Thái Bình Dương ngày một nhiều, để bảo vệ quyền lợi hải dương của Nhật Bản, việc thu thập, giám sát thông tin đã trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng.

Căn cứ vào kế hoạch, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xây dựng kế hoạch tăng cường ngân sách năm 2014 thêm 450 triệu yên (khoảng 4,6 triệu USD) để tiển khai điều tra thiết kế, dự kiến 3 năm sau sẽ hoàn tất quá trình xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng. Bản kế hoạch này của Nhật đã thu hút sự chú ý của mọi người về hòn đảo 68 năm trước đã từng xảy ra các trận huyết chiến kinh hồn.

Về vị trí địa lý, Iwo Jima là một hòn đảo nhỏ có vị trí chiến lược rất quan trọng, án ngữ đường ra Thái Bình Dương, nằm ở giữa Tokyo và đảo Saipan – nằm trong quần thể căn cứ Mỹ Guam. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, máy bay ném bom của Mỹ oanh tạc Tokyo, đều cất cánh từ Saipan bay qua Iwo Jima, khiến hòn đảo này trở thành một tiêu điểm tranh đoạt giữa 2 bên.

Nhật sẽ "chẹn cổ" hải quân Trung Quốc ở Iwo Jima  ảnh 1

Hạm đội hải quân Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao khả năng tác chiến viễn dương

Lúc đó, quân Nhật đóng ở đây này đều nắm được hành động quân sự của Mỹ và tổ chức đánh chặn máy bay, ngăn cản phần lớn hoạt động oanh tạc thủ đô của Nhật. Trong chiến dịch Iwo Jima, cả Nhật và Mỹ đều dốc toàn lực kịch liệt giành giật và bám trụ lại hòn đảo này. Mức độ thảm khốc của cuộc chiến thể hiện ở điểm, 23.000 quân Nhật trấn thủ đảo cuối cùng chỉ còn lại 1083 người sống sót. 

Hiện nay, Nhật đã triển khai trạm chặn thu thông tin ở đảo Miyako, đồng thời chuẩn bị xây dựng 1 trạm radar ở Yonaguni, cách Đài Loan vỏn vẹn 110km. Vòng cung triển khai các trạm nghe lén của Nhật sẽ chạy dọc theo quần đảo Nhật Bản, từ Hokkaido qua Niigata, đến Kagoshima là đoạn thứ nhất, đoạn thứ 2 được nối từ Kagoshima chạy qua Miyako, kết thúc ở Yonaguni.

Là một mắt xích cực kỳ quan trọng trên chuỗi đảo thứ 2, Iwo Jima có vị trí chiến lược rất quan trọng, cách Tokyo khoảng 1080km về phía bắc, cách căn cứ hải quân trọng yếu của Mỹ ở Guam khoảng 1130km, diện tích toàn đảo rộng chưa tới 21km2. Trong đoạn thứ 2 này, Iwo Jima sẽ là điểm nhấn quan trọng nhất, là nút thắt của cái rọ chắn ngang đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.

Nhật sẽ "chẹn cổ" hải quân Trung Quốc ở Iwo Jima  ảnh 2

Iwo Jima là điểm nhấn trong hệ thống các trạm kiểm tra, giám sát thông tin của Nhật Bản và là nút thắt của “cái rọ” chắn ngang đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc


Nếu xây dựng căn cứ giám sát, chặn thu thông tin ở hòn đảo này, phạm vi bao phủ của nó có thể bao trùm một vùng lãnh hải rất rộng bao gồm cả khu vực Senkaku và eo biển Miyako, mà eo biển này chính là yếu địa, là cửa ngõ bắt buộc tàu chiến Trung Quốc phải đi qua để ra Thái Bình Dương. Đặt trạm giám sát ở đảo Iwo Jima sẽ giúp Nhật Bản có thể giám sát được mọi động thái của hải quân Trung Quốc.

Trong quá khứ, Nhật Bản đặt trọng tâm phòng thủ chiến lược ở chuỗi đảo thứ nhất và hải quân Trung Quốc cũng thường không vượt quá phạm vi này. Mấy năm gần đây, theo đà lớn mạnh của lực lượng hải quân và nhu cầu huấn luyện tác chiến viễn dương, các hoạt động của hải quân Trung Quốc ngày một vươn xa hơn với mật độ ngày càng dày hơn. Trong tương lai, nếu muốn vươn xa hơn, hải quân Trung Quốc sẽ phải vượt qua “pháo đài” kiên cố của Nhật ở Iwo Jima.

Nhật sẽ "chẹn cổ" hải quân Trung Quốc ở Iwo Jima  ảnh 3

Vị trí chiến lược của Iwo Jima trong vòng cung chuỗi đảo thứ 2

Hiện nay, chiến hạm của cả 3 hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải của Trung Quốc đã thường xuyên vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, hoạt động trong vành đai chuỗi đảo thứ 2. Tháng 7 năm nay, biên đội 5 tàu chiến của hải quân Trung Quốc kết thúc cuộc diễn tập quân sự liên hợp ở Nga, đã lần đầu tiên tiến vào eo biển Soya, đi qua biển Okhotsk, qua tây Thái Bình Dương, hành trình 1 vòng xung quanh quần đảo Nhật Bản để trở về Trung Quốc.

Để đối phó với khả năng tác chiến viễn dương đang ngày một nâng cao của hải quân Trung Quốc, tăng cường phòng thủ chuỗi đảo thứ 2, Nhật Bản đã có sự điều chỉnh lại hình thái bố trí chiến lược và tăng cường phối hợp với quân đội Mỹ hình thành thế trận bao vây, ngăn chặn khả năng Trung Quốc sẽ xuyên phá qua chuỗi đảo này, và Iwo Jima sẽ là một nút thắt quan trọng nhất trong chiến lược phòng thủ chuỗi đảo thứ 2.