Nhật Bản chuyển giao công nghệ tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất cho Australia

ANTĐ -Nhật Bản và Australia sẽ tiến hành hội đàm về thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm vào ngày 16-10 tới. 

Theo “Mạng tin tức Nhật Bản” cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston sẽ đàm phán trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera về thỏa thuận chuyển giao công nghệ tàu ngầm vào ngày 16-10 tới, tại Tokyo.

Bộ Quốc phòng Nhật ngày 10-10 cho hay, Tokyo sẵn sàng đáp ứng đề xuất của Canberra về hợp tác công nghệ sản xuất tàu ngầm lớp Soryu. Đây là lớp tàu ngầm điện-diesel hiện đại nhất thế giới hiện nay, có trọng tải lên tới 4.200 tấn.

Điều làm nên chất lượng hàng đầu của lớp tàu ngầm này là nó được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP, do Thụy Điển cấp giấy phép sản xuất tại Kawasaki Heavy Industries, Nhật Bản. Động cơ AIP hay còn gọi là động cơ tuần hoàn khép kín, sử dụng chính CO2 giải phóng trong quá trình đốt nhiên liệu để tái sinh ôxy, vì vậy giúp cho tàu có khả năng tác chiến ngầm rất lâu mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí. 

Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi HU-606 533mm có thể dùng để phóng ngư lôi Type 89 và tên lửa hành trình chống hạm UGM-84 Harpoon. Tàu ngầm được trang bị sonar mảng pha ZQQ-7. Sonar này hoạt động ở 2 chế độ chủ động/thụ động bao gồm 2 mảng tuyến tính chủ động hẹp ở 2 bên thân tàu và một mảng thụ động kéo theo.
Tàu ngầm lớp Soryu

Ngày 8-10, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Soryu mới nhất, mang tên Black Dragon, tại nhà máy đóng tàu Kobe, thuộc khu vực Hyogo thành phố Kobe nước này. Hiện nay lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có 5 tàu ngầm lớp Soryu đang hoạt động.

Khi thăm Australia vào tháng 7 năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe chính thức tuyên bố Tokyo ủng hộ tích cực kế hoạch hợp tác đóng tàu ngầm với chính quyền Canberra. Trước đó, trong cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston với người đồng cấp Nhật Itsunori hồi tháng 4, cũng bày tỏ mong muốn Nhật Bản cung cấp công nghệ và các thiết kế tàu ngầm cho Australia .

Trước đó, Nhật Bản đã nới lỏng nguyên tắc về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng hồi tháng 4-2014, một động thái được coi là thay đổi quan trọng đầu tiên của lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vốn được Tokyo áp đặt từ lâu, nhằm tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia khác.

Về phía Australia, kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 9 năm ngoái, Thủ tướng Tony Abbott đã tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật về các vấn đề an ninh và thương mại, quan hệ giữa hai nước là “đặc biệt”, trong bối cảnh châu Á phải đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc.

Cùng lúc đó, lập trường hòa bình từ lâu của Nhật đã thay đổi dưới thời ông Abe. Tokyo cũng tăng cường quan hệ với Canberra giữa lúc các căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và các quốc gia láng giềng vì các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.