Nhật Bản bỏ phiếu tái khởi động nhà máy phản ứng hạt nhân Sendai

ANTĐ - Ba năm sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản đã có những động thái tiến gần hơn việc mở cửa trở lại nhà máy điện hạt nhân Sendai, bằng việc tổ chức bỏ phiếu tìm kiếm sự đồng ý của giới chức ở Satsumasendai.

19/26 thành viên lập pháp ở Satsumasendai, thành phố cách 600 dặm về phía tây nam thủ đô Tokyo, đã bỏ phiếu ủng hộ việc tái khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Sendai. Trong đó, có 4 phiếu bỏ trống và 3 phiếu trắng.

Giới chức Nhật cho rằng việc bỏ phiếu đạt kết quả cao không có nghĩa là các lò phản ứng hạt nhân sẽ khởi động lại ngay lập tức.  Các nhà máy, điều hành bởi công ty Kyushu Electric Power, phải vượt qua kiểm tra an toàn hoạt động, đồng thời phải nhận được sự đồng ý của các quan chức  tỉnh Kagoshima. Điều đó có nghĩa hai lò phản ứng của nhà máy không có khả năng được khởi động lại cho đến năm tới.

Nhà máy hạt nhân Sendai của Nhật Bản

Mặt khác, động thái này sẽ thúc đẩy Thủ tướng Shinzo Abe, người đã từng hỗ trợ bước trở lại của điện hạt nhân Nhật Bản phải đối mặt với chi phí gia tăng nhập khẩu dầu và khí đốt, và đáp ứng với các cam kết biến đổi khí hậu trên thế giới.

Được biết, hầu hết người dân Nhật Bản đều phản đối sự tái khởi động nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức Greenpeace cho biết cuộc bỏ phiếu hôm 28-10 đã mâu thuẫn với quan điểm của hầu hết dân cư sống gần nhà máy Sendai. 

"Có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời xác đáng hay bị bỏ qua, những điều này phải được giải quyết công khai và nhận được sự hài lòng của những người sống xung quanh, cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa khi nhà máy hoạt động trở lại”, thành viên Greenpeace tại Nhật, ông Ai Kashiwagi nói.

Giống như nhiều thị trấn khác nằm gần các cơ sở nguyên tử, nền kinh tế của tỉnh Satsumasendai phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân. Tất cả các lò phản ứng của Nhật Bản đã bị đình chỉ hoạt động sau thảm họa tháng 3-2011. Trong đó 3 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã khủng hoảng sau khi nó bị một trận động đất lớn và sóng thần tấn công.

Thảm họa đó khiến 160.000 người buộc phải sơ tán, và gây ra ô nhiễm xung quanh khu vực nhà máy. Nhiều người di tản vẫn không thể trở về nhà do mức độ bức xạ cao.

Tất cả 48 lò phản ứng của nước này đã bị đóng cửa do hậu quả của Fukushima, chúng buộc phải trải qua kiểm tra an toàn mới được mở cửa trở lại. Điều đó, khiến năng lượng Nhật Bản phải tăng sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch. Trước thảm họa Fukushima, hạt nhân đã cung cấp 30% nhu cầu năng lượng của đất nước, và các công ty hạt nhân đã có kế hoạch tăng cổ phần của mình lên khoảng 50% vào năm 2030.

Các cuộc tranh luận về Sendai đã chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng. Trong khi dân cư tại thị trấn Satsumasendai nhận được hàng tỷ yên từ chính phủ và ngành công nghiệp tài trợ, thì Ichikikushikino, Kagoshima, các thành phố nằm cách xa nhà máy, chỉ nhận được một phần nhỏ trong đó, mặc dù người dân nói rằng họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe tương tự từ rò rỉ phóng xạ khi xảy ra tai nạn.

Đầu năm nay, hơn một nửa trong số 30.000 cư dân của Ichikikushikino, Kagoshima đã ký một bản kiến ​​nghị phản đối việc khởi động lại. Vấn đề này trở nên  phức tạp do những lo ngại về một ngọn núi lửa nằm cách nhà máy 40 dặm, mà các nhà khoa học nói rằng đang có dấu hiệu hoạt động trở lại, có thể gây ra một vụ phun trào nhỏ.