Nga thử nghiệm hệ thống phòng không A-235 Nudol bảo vệ Moscow

ANTĐ -Trang RBTH đã trích dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, không quân Nga vừa thử nghiệm thành công một loại tên lửa cho hệ thống phòng không A-235 Nudol tại Kazakhstan. 

Quân đội Nga đang hiện đại hóa các hệ thống tên lửa phòng không bảo vệ thủ đô Moscow. Theo RBTH, tên lửa mới đã được thử nghiệm vào hôm 21-6 và sẽ sử dụng cho hệ thống A-235 Nudol.

Hệ thống A-235 Nudol được triển khai đến tiểu đoàn 9 trực thuộc căn cứ Sofrino-1, cách Moscow khoảng 49km về phía bắc. Gần đó là trạm radar Don-2N, có hình dáng như kim tự tháp, với nhiệm vụ phát hiện tên lửa đạn đạo liên lục địa và truyền thông tin cho hệ thống tên lửa A-235 Nudol đánh chặn mục tiêu.

Hệ thống A-235 Nudol được sử dụng để bảo vệ Moscow

“Việc hiện đại hóa hệ thống phòng không từ A-135 lên A-235 để bảo vệ Moscow đã được diễn ra từ những năm 2000. Hiện nay hệ thống này đang được trang bị các tên lửa mới”, nguồn tin của RBTH cho hay.

Theo chuyên gia quân sự Viktor Litovkin, hệ thống phòng không gần Moscow, với khả năng tiêu diệt các mục tiêu tầm gần, là một trong những chương trình tuyệt mật của quân đội Nga.

Theo Hiệp ước Tên lửa đạn đạo mà Mỹ kí với Liên-xô vào năm 1972, 2 nước chỉ được triển khai nhiều nhất 2 hệ thống tên lửa phòng không, một gần thủ đô của mình và một gần khu vực các bệ phóng tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, Moscow và Washington đồng ý hạn chế số lượng xuống chỉ còn một hệ thống. Nga đã đặt hệ thống của mình tại  thủ đô Moscow để ngăn chặn các loại tên lửa đạn đạo trong khi Mỹ triển khai hệ thống phòng không tại căn cứ không quân Grand Forks ở phía Bắc Dakota.

Ông Litokin cho biết, hệ thống A-135 cũ được trang bị tên lửa 53T6, đã có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo bay với tốc độ 7km/giây. Đến nay, phiên bản tên lửa 53T6 mới sẽ có sự khác biệt rõ rệt so với thế hệ trước, khi sử dụng một loại đầu đạn động năng thay vì hạt nhân.

“Các tên lửa đạn đạo liên lục địa thường bay với tốc độ siêu thanh và còn có nhiều mục tiêu giả. Việc phát hiện ra đầu đạn hạt nhân thật trong hàng chục mục tiêu giả là điều vô cùng khó khăn, do đó thế hệ đạn 53T6 cũ phải được trang bị đầu đạn hạt nhân nhằm tiêu diệt được hàng loạt tên lửa của đối phương cũng như các mục tiêu giả”, ông Litovkin giải thích.

Tuy nhiên, công nghệ dò tìm và đánh chặn tên lửa đã phát triển hơn ở thời điểm hiện tại nên chính phủ Nga chỉ cần đầu đạn động năng để tiêu diệt tên lửa tấn công nhằm hạn chế sự thiệt hại về người và môi trường do các vụ nổ hạt nhân. 

Video một cuộc thử nghiệm A-235 Nudol vào năm 2015: