Nga quyết thay thế hơn nghìn thiết bị quân sự nhập từ EU, Ukraine

ANTĐ - Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Nga Dmitry Rogozin vừa tuyên bố, nước này Nga cần duy trì vị trí hàng đầu mình trên thị trường vũ khí và sớm thay thế toàn bộ thiết bị quân sự nhập khẩu của nước ngoài.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, bên lề Triển lãm vũ khí và đạn dược quốc tế RAE-2015 (Russia Arms Expo 2015) ở Nizhny Tagil, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố rằng, Nga cần duy trì vị thế thứ hai của mình trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Ông nhấn mạnh, các áp lực đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Nga không chỉ đến từ sự cạnh tranh của các công ty vũ khí phương Tây, mà còn xuất phát từ chương trình nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho quân đội và xây dựng tiềm lực lớn của các lực lượng vũ trang Nga.

Phó Thủ tướng Nga còn cho biết thêm một thông tin là tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao trong tổng sản lượng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã tăng từ 53 lên 63% trong một năm qua. Đây là một chỉ tiêu rất quan trọng trong kế hoạch vũ khí quốc gia trước năm 2020.

Nga nhập khẩu khá nhiều thiết bị, linh kiện quân sự từ phương Tây và Ukraine

Phát biểu tại Hội nghị quân sự-công nghiệp lần thứ 2, Phó Thủ tướng Chính phủ Nga còn nêu nhiệm vụ quan trọng thứ 2 là: Việc thay thế các linh kiện nhập khẩu phức tạp trước đây mua của Ukraine và các nước phương Tây, sử dụng trên vũ khí và thiết bị quân sự Nga, sẽ phải được hoàn thành vào năm 2020.

Theo ông Dmitry Rogozin, trước đây Nga đã nhập 186 danh mục vũ khí và thiết bị đặc biệt của Ukraine, còn từ EU và NATO là 860 mẫu thiết bị. Việc thay thế chúng là khối lượng công việc đồ sộ nên phần lớn sẽ được hoàn thành vào năm 2018, riêng một số vị trí đặc biệt phức tạp thì phải được thay thế vào năm 2020.

Hiện nay Nga còn đang phụ thuộc vào Ukraine một số lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, trong đó phần lớn là mảng sản xuất động cơ, bao gồm động cơ máy bay trực thăng, động cơ tàu chiến cỡ lớn, động cơ tên lửa.

Hiện phần lớn các tên lửa chiến lược Nga hiện đang sử dụng có động cơ đẩy được sản xuất tại Ukraine, hơn một nửa linh kiện trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga cũng do các doanh nghiệp nước này sản xuất, mà những tên lửa đó chứa hơn 80% số đầu đạn hạt nhân của Nga.

Việc bị phương Tây và Ukraine cắt đứt hợp tác quân sự khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga gặp khá nhiều khó khăn

Ngoài ra, các doanh nghiệp tên lửa của Ukraine cũng đang đảm nhận mảng bảo dưỡng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20 Voyevoda (SS-18 Satan) cho Nga.

Việc 2 bên chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự trên thực tế đã gây cho Nga khá nhiều khó khăn trong quá trình nội địa hóa các sản phẩm quốc phòng của mình, ví dụ như kế hoạch chế tạo các tàu hộ vệ thuộc Project 11356 bị chậm trễ do phía Ukraine dừng cung cấp động cơ.

Tuy nhiên, sau khi Kiev quyết định hủy Hiệp định hợp tác sản xuất và khoa học-kỹ thuật giữa các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga-Ukraine, được ký ngày 18-11-1993, Moscow đã tuyên bố, trước cuối năm 2015, nước này sẽ thay thế 67% thiết bị, linh kiện quân sự nhập của Ukraine.