Nga - Mỹ chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh

ANTD.VN - Mới đây, tướng Không quân Mỹ Arnold Bunch tuyên bố, Không quân Mỹ đang phát triển 2 loại vũ khí siêu âm, sẽ hoàn thành đưa vào trực chiến năm 2022.

Tháng 8-2019, tại hội thao quân sự quốc tế Army Games,  Nga đã phô diễn sức mạnh tên lửa siêu thanh "bất khả chiến bại" Kinzhal, hiện đang thử nghiệm trong Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga. Trong quá trình thử nghiệm này, tên lửa Kinzhal sau khi khai hỏa động cơ nhiên liệu rắn đã đạt tốc độ Mach 10 – tức gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Trước động thái này của phía Nga, quân đội Mỹ đã ra tuyên bố, họ đang thực hiện phát triển đồng thời 2 chương trình phát triển vũ khí siêu âm tăng cường cho quân đội nước này, đó là vũ khí siêu âm tấn công thông thường (HCSW) và vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW). 

Không quân Mỹ tin rằng vũ khí siêu âm của một dự án hoặc của cả hai dự án sẽ được đưa vào trực chiến lần đầu tiên vào năm 2022. Theo các báo cáo của quân đội Mỹ, các thử nghiệm đầu tiên về tên lửa siêu âm đã được thực hiện thành công, vụ thử đầu tiên được tiến hành vào tháng 6 - 2019.

Động thái tăng tốc của quân đội Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ siêu thanh và Mỹ đã nhận ra vũ khí siêu thanh có thể là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi vì với tốc độ cao, các hệ thống phòng thủ hiện đại của đối phương gần như không có cơ hội để đánh chặn.

Trước đây, Lầu Năm Góc đã từng công nhận rằng Mỹ đang tụt hậu đáng kể sau Nga trong việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực vũ khí siêu âm.

Sự vượt trội của Nga thể hiện ở việc nước này đã phát triển được các loại vũ khí siêu âm như Tsircon hay 3M22 (phân loại theo NATO là SS-N-33) là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm của Nga. Ưu điểm chính của tên lửa này là tốc độ bay cao hơn đáng kể lên tới 8 Mach so với các tên lửa chống hạm khác của Nga.

Tên lửa không đối không có độ chính xác cao Kinzhalr trên máy bay chiến đấu MiG-31

Dòng tên lửa mới được công bố khác của Nga là X-47M2 Kinzhal là hệ thống tên lửa siêu thanh có khả năng đánh trúng các mục tiêu bất động và di động (tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục). Đây là một phiên bản của tổ hợp tên lửa Iskander. Tên lửa bay với tốc độ 10 Mach và vượt qua bất kỳ lá chắn phòng thủ tên lửa nào. Tầm bắn của nó là hơn 2.000 km, có thể được trang bị cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường.

Một vũ khí siêu âm khác của Nga – Avangard là một hệ thống tên lửa chiến lược kết hợp với khối tên lửa hành trình. Nó có thể bay trong các tầng khí quyển dày đặc với tốc độ siêu âm hơn 20 Mach. Đáng chú ý là ở tốc độ này, nhiệt độ trên bề mặt của khối tên lửa hành trình lên đến 1600 - 2000 độ C.

Tên lửa đạn đạo chiến lược Sarmat

Tên lửa đạn đạo chiến lược liên lục địa RS-28 Sẩmt (phân loại theo NATO: SS-X-30), một tên lửa này có thể mang 10 - 15 đầu đạn thông thường, sức công phá của mỗi đầu đạn là 750 kiloton. Hoặc tên lửa có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân hạng nặng với sức công phá trên 1 megaton.

Có vẻ như trong cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh, Nga đang chiếm ưu thế hơn so với Mỹ khi sở hữu nhiều hệ thống tên lửa siêu thanh có nhiều tính năng hiện đại, đã được thử nghiệm thành công và đưa vào trực chiến. Tuy vậy, với tiềm lực quân sự đáng gờm, Mỹ luôn là đối trọng của Nga trong bất kỳ cuộc chạy đua quân sự nào, bên cạnh đó cũng phải kể đến thế lực quân sự mới Trung Quốc trong cuộc đua phát triển vũ khí này.