Nga lập 2 căn cứ quân sự ở Syria: Siêu cường quân sự trở lại

ANTD.VN - Theo truyền thông Nga, quốc hội nước này đã phê chuẩn các hiệp định triển khai vô thời hạn lực lượng quân sự ở Syria, thường trực ở căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous.

Ngày 12/10, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) đã phê duyệt hiệp định triển khai vô thời hạn nhóm không quân thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở Syria, sau khi Duma quốc gia (Hạ viện) đã phê chuẩn hiệp định do Tổng thống Putin soạn thảo vào ngày 7/10.

Theo đó, hiệp định này kế thừa một số nội dung của thỏa thuận giữa chính quyền của Tổng thống Putin và chính quyền của Tổng thống Assad, được ký kết ngày 26/8/2015, trước khi Nga chính thức triển khai chiến dịch chống khủng bố ở Syria khoảng hơn 1 tháng (ngày 30/9/2015).

Bình luận về vấn đề này, người đứng đầu Ủy ban quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh rằng, thỏa thuận mà nước này mới đạt được với Syria không nhằm chống lại nước thứ ba và đơn thuần mang tính chất phòng thủ.

Ông nhấn mạnh, việc Nga thỏa thuận với Syria nâng cấp trạm hậu cần-kỹ thuật Tartous thành căn cứ tác chiến hải quân và sân bay Hemymim thành căn cứ không quân chỉ nhằm mục đích hỗ trợ người dân và chính quyền Syria trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS và al-Qaeda ở đất nước này và cả khu vực Trung Đông.

Vị quan chức Quốc hội Nga lưu ý rằng, hiện tại trên thế giới có khoảng gần một ngàn căn cứ quân sự nước ngoài, khoảng 800 trong số đó là của Mỹ, tức là chiếm tới hơn 3/4, do đó, số lượng căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài như vậy là quá ít.

Nga đã quyết định sự hiện diện quân sự thường trực ở Syria

Theo lời vị thượng nghị sĩ, hiện nay, căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous là những cơ sở quân sự duy nhất của Nga ở nước ngoài, sau khi nước này đóng cửa các căn cứ ở Cuba và Việt Nam.

Theo nội dung hiệp định, máy bay của không quân Nga tiếp tục trú đóng tại sân bay Hmeymim (nằm trong sân bay quốc tế Basel al-Assad) thuộc tỉnh tây bắc Syria là Latakia. Theo thỏa thuận trước đây và hiện nay, Nga được quyền sử dụng miễn phí sân bay cùng với tất cả các cơ sở hạ tầng kèm theo.

Hiện nay, không quân Nga đang duy trì ở đây một nhóm khoảng 30 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35, Su-30SM; máy bay ném bom Su-24, Su-34; máy bay trinh sát điện tử Il-20 và có thể là cả máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm A-50. Cùng với đó là vài chục trực thăng tấn công Mi-28N, Ka-52 và trực thăng đa năng Mi-35, Mi-8/Mi-17.

Song song với việc biến sân bay Hmeymim thành căn cứ không quân thường trực, Nga cũng đã đạt được Hiệp định với Syria về việc nâng trạm hậu cần-kỹ thuật hải quân ở cảng Tartous, cũng thuộc tỉnh Latakia, thành căn cứ hải quân tác chiến của mình.

Từ trước đến nay, các tàu chiến Nga chỉ có thể ghé vào cảng này tiếp liệu, bổ sung thực phẩm và sửa chữa nhỏ, còn phần lớn thời gian chúng phải đứng chân ở Địa Trung Hải và tiến hành luân chuyển tàu chiến liên tục từ Hạm đội Biển Đen, trú đóng ở bán đảo Crimea.

Nga khôi phục uy thế quân sự giống thời Liên Xô trước đây

Với việc xây dựng căn cứ hải quân Tartous, các chiến hạm Nga, kể cả tàu sân bay, có thể thường trực ở đây, hạn chế việc phải thay quân liên tục và tiếp nhận vũ khí bằng các tàu vận tải của Hạm đội Biển Đen, tránh phụ thuộc vào việc phải ra-vào Địa Trung Hải thông qua con đường độc đạo duy nhất là eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc xây dựng 2 căn cứ không quân và hải quân giúp quân đội Nga có đủ điều kiện xây dựng một hạm đội hải quân rất mạnh, có đầy đủ không quân và hải quân trên vùng biển này, đủ khả năng đối phó với những thách thức từ Hạm đội 6 Mỹ ở Địa Trung Hải và Hạm đội 5 ở vùng biển Persian.

Việc hiện diện quân sự thường trực ở Syria, ngoài việc giúp Nga giữ vững chính quyền hiện nay của Tổng thống Bashar al-Assad, cũng khiến Điện Kremlin củng cố được lòng tin của đồng minh Iran, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông-Bắc Phi và Địa Trung Hải.

Có thể nói rằng, với việc xây dựng 2 căn cứ quân sự ở Hmeymim và Tartous, Nga đã khôi phục được uy thế quân sự giống như Liên Xô đã từng triển khai Liên đội số 5 Địa Trung Hải, đồng thời cũng khôi phục lại tầm ảnh hưởng rất lớn ở Trung Đông của siêu cường Xô viết trước đây.